Nâng cao sinh kế cho người dân “giữ rừng” ngập mặn Cần Giờ
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ gắn với công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai, giúp người dân nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ xung quanh về vấn đề này.
Xin ông cho biết kết quả công tác quản lý, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ trong thời gian qua?
Ông Huỳnh Đức Hoàn:
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nhận được sư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Vì vậy, diện tích rừng, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ được giữ vững, góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện nói riêng và cả TP.HCM nói chung.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch trồng rừng của Chính phủ cũng như của TP.HCM. Qua đó, góp phần phát triển vốn rừng phòng hộ và không ngừng nâng cao tác dụng phòng hộ của rừng, tính đa dạng sinh học thực vật, động vật và thủy sinh vật, trong đó nổi bật là nâng diện tích có rừng trong ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ từ 30.303,95 ha năm 2000 tăng lên 32.483,64 ha năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng đạt 93,3%.
Để quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ gìn an ninh trật tự, quốc phòng trên toàn địa bàn trọng yếu ven biển, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã tổ chức lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ gồm 07 Phân khu, 01 Đội Cơ động Bảo vệ rừng, 158 hộ dân giữ rừng, 11 đơn vị nhận khoán và sự tham gia hỗ trợ của 05 Trạm Kiểm lâm, 01 Tổ Cơ động bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Cần Giờ. Trong những năm qua, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng giảm cả về số vụ, quy mô cũng như tính chất vụ việc.
Được biết, một trong những giải pháp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là việc giao khoán rừng cho người dân trực tiếp chăm sóc, bảo vệ. Xin ông cho biết rõ hơn về công tác này?
Ông Huỳnh Đức Hoàn:
Từ năm 1983, UBND TP.HCM đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho các đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ nhân dân trồng cây gây rừng và chăm sóc bảo vệ rừng nhằm nhanh chóng phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ. Đến năm 1990, sau khi phục hồi thành công nhiều diện tích rừng ngập mặn, Thành phố đã thí điểm thực hiện chính sách giao khoán rừng cho 10 hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ. Qua quá trình tổng kết, đánh giá cao hiệu quả của mô hình giao khoán rừng cho hộ gia đình bảo vệ, Thành phố cho phép nhân rộng chính sách giao khoán rừng đến hộ gia đình.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện đang giao khoán bảo vệ rừng cho 11 đơn vị và 158 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện Cần Giờ. Tổng diện tích có rừng khoán bảo vệ cho các đơn vị và hộ gia đình là 25.186,48 ha.
Cùng với lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, chính quyền địa phương, các hộ dân và đơn vị nhận khoán đã và đang có nhiều đóng góp rất lớn vào việc kéo giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong Rừng phòng hộ hàng năm cả về số vụ, quy mô cũng như tính chất vụ việc. Từ 225 vụ năm 2000 xuống còn 04 vụ năm 2022, trong đó có nhiều vụ vi phạm pháp luật trong Rừng phòng hộ Cần Giờ được người dân hỗ trợ, cung cấp thông tin giúp lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung đã triển khai những giải pháp, cơ chế hỗ trợ nào để nâng cao sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững để người dân yên tâm giữ rừng ?
Ông Huỳnh Đức Hoàn:
Nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ phát triển rừng gắn với công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai, giúp người dân nhận khoán bảo vệ rừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong đó, đơn giá tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ không ngừng được nâng lên nhằm đảm bảo mục tiêu không để những hộ dân nhận khoán rừng có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố theo từng thời kỳ. Được sự quan tâm của UBND Thành phố, qua nhiều lần điều chỉnh đơn giá tiền công bình quân, từ mức 50.000 đồng/ha/năm năm 1993, đến nay đơn giá bảo vệ bình quân 1 ha rừng là l.156.000 đồng/ha/năm.
Với mức bình quân mỗi hộ được khoán bảo vệ 76,40 ha (hộ cao nhất 264 ha, thấp nhất 40 ha) thì thu nhập bình quân của 01 hộ/năm là hơn 88 triệu đồng.Bên cạnh định mức tiền công khoán bảo vệ rừng, các hộ nhận giao khoán rừng còn được đảm bảo chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động giữ rừng.
Từ năm 2010, UBND TP.HCM cho phép thực hiện Dự án ‘‘Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ’’, trong đó có hạng mục đầu tư xây mới nhà chốt bảo vệ rừng kiên cố cho tất cả các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích nhà chốt là 40m2/căn và nâng cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời lên 150W/hộ đã góp phần bảo đảm nơi sinh hoạt cũng như sức khỏe cho hộ giữ rừng để bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, UBND huyện Cần Giờ phối hợp với các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các hộ giữ rừng nhằm chăm lo sức khỏe cho lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng, cung cấp bồn chứa nước ngọt, phối hợp các trường đào tạo tập huấn kỹ năng cho lao động giữ rừng của hộ….
Mặt khác, ngoài các chính sách đặc thù của Thành phố, người dân giữ rừng còn được đánh bắt, tận thu các sản phẩm khác từ rừng theo quy định của pháp luật.
Để tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới, ”lá phổi xanh” của TP.HCM, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông ?
Ông Huỳnh Đức Hoàn:
Chúng tôi luôn xác định và xem công tác công tác quản lý và phát triển bền vững hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ gắn liền với việc gìn giữ và phát huy vai trò và giá trị của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên.
Trong đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng, lực lượng công an, biên phòng trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra vụ việc vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng. Tăng cường trách nhiệm của các đơn vị nhận khoán, hộ giữ rừng trong công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá giá trị Rừng ngập mặn Cần Giờ đến nhiều đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau góp phần nâng cao vị thế Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ, tập trung phát triển du lịch sinh thái theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ thuộc Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2040 sau khi được UBND Thành phố phê duyệt.
Ban Quản lý sẽ tập trung xây dựng và hoàn thành hồ sơ công nhận Rừng phòng hộ Cần Giờ trở thành khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar). Tập trung đảy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tới nhiều đối tượng với nhiều hình thức khác nhau. Mở rộng hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển Rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động đề xuất các chính sách chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống của các hộ gia đình giữ rừng để các hộ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và sinh hoạt của viên chức, người lao động bảo vệ rừng.
Trân trọng cảm ơn Ông !