Là một ngành của khoa học trái đất, ngành địa vật lý Việt Nam đã không ngừng phát triển và đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong điều tra, đánh giá khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản ẩn sâu. Nhiều công trình, thành quả của công tác địa vật lý được ghi nhận và đánh giá cao, đã khẳng định vai trò trong điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường, phòng chống tai biến địa chất liên quan biến đổi khí hậu, phục vụ định hướng, quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Minh |
Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐC&KS cho rằng, Hội thảo này cơ hội để các đại biểu thảo luận những mối quan tâm chung về công nghệ địa vật lý trên thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng, tập trung vào chủ đề: Năng lực và thành tựu ứng dụng công nghệ địa vật lý trong điều tra địa chất và thăm dò khoáng sản trên đất liền, biển và hải đảo, khả năng cung cấp các dịch vụ địa vật lý trong các nước ASEAN, đánh giá hiện trạng năng lực địa vật lý, giới thiệu về kết quả ứng dụng các phương pháp địa vật lý trong điều tra đánh giá khoáng sản, môi trường, tai biến địa chất, địa vật lý phục vụ cộng đồng…đề xuất sáng kiến, định hướng nghiên cứu, hợp tác giữa các quốc gia.
PGS.TS Đỗ Cảnh Dương khẳng định, với vai trò là đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo, Tổng cục ĐC&KS luôn ý thức được vinh dự và trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác ASEAN về địa chất, khoáng sản. Tổng cục ĐC&KS Việt Nam sẵn sàng trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm, trình độ công nghệ địa vật lý với các nước thành viên ASEAN để cùng phát triển.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hoàng Minh |
TS Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐC&KS cho biết, những ứng dụng địa vật lý trong điều tra cơ bản địa chất, đánh giá, thăm dò khoáng sản ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1955. Trải qua gần 60 năm, công tác địa vật lý đã có những đóng góp xứng đáng trong điều tra cơ bản địa chất, tìm kiếm, đánh giá và thăm dò khoáng sản.
Những thành công của công tác địa vật lý đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành Địa chất Việt Nam và khẳng định vai trò của công tác địa vật lý trong điều tra cơ bản địa chất và tìm kiếm khoáng sản, phục vụ các ngành kinh tế khác, bảo vệ môi trường, phòng chống tai biến địa chất liên quan biến đổi khí hậu, phục vụ định hướng, quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.
Đoàn chủ toạ. Ảnh: Hoàng Minh |
Cũng tại Hội thảo, ông Lại Mạnh Giàu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý địa chất cho biết, là đơn vị có chức năng nghiên cứu, điều tra địa vật lý khu vực phục vụ công tác điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản trong phạm vi cả nước, Qua gần 50 năm phấn đấu, đến nay Liên đoàn Vật lý Địa chất đã trở thành đơn vị hàng đầu về nghiên cứu - sản xuất địa vật lý ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ địa vật lý trên mặt đất, trên không, trên biển và hải đảo.
Ông Lại Mạnh Giàu cho biết, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Liên đoàn Vật lý Địa chất đang hướng tới phát triển các phương pháp tìm kiếm khoáng sản dưới sâu, điều tra địa chất khoáng sản biển và thềm lục địa, hoàn thiện và mở rộng công nghệ bay đo tổ hợp địa vật lý trên nhiều dạng địa hình, địa chất.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Minh |
Ông Tăng Đình Nam, Viện Khoa học ĐC&KS nhận định, công tác địa vật lý ngày nay đã được quan tâm và đầu tư các thiết bị hiện đại và công nghệ mới, do đó đã giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Viện Khoa học ĐC&KS đã nghiên cứu, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết bị hiện đại và công nghệ mới của địa vật lý trong các lĩnh vực nghiên cứu điều tra khoáng sản, nước ngầm, địa chất công trình và tai biến địa chất.
Tại Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ nhiệm vụ “… Xây dựng chuyên ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở mức hiện đại, đủ năng lực tìm kiếm, phát hiện mỏ mới với độ sâu đến 1.000 m nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện tiềm năng khoáng sản trên đất liền, ở đáy biển và thềm lục địa của đất nước”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Minh |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, TS Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐC&KS cho biết, công tác địa vật lý trong thời gian tới sẽ tập trung vào nhiệm vụ điều tra nghiên cứu cơ bản địa chất và điều tra đánh giá triển vọng khoáng sản trên các vùng biển và đảo Việt Nam; Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ yêu nghề, lao động sáng tạo, có trình độ khoa học, chuyên môn, lập trường chính trị vững vàng; Phát triển và ứng dụng những thiết bị mới nhất, hiện đại, có trình độ công nghệ cao đạt tiêu chuẩn thế giới. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khả năng bảo trì, kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế máy địa vật lý, đặc biệt là các máy địa chấn, địa vật lý lỗ khoan, phổ anpha, v.v...
Ngoài ra sẽ nghiên cứu, phát triển tổ hợp các phương pháp địa vật lý hiện đại nhằm tìm kiếm có hiệu quả nhiều loại khoáng sản, trong điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, đến độ sâu từ 500 m đến hơn 1000 m; Nâng cao trình độ phân tích, minh giải tài liệu địa vật lý bằng việc tăng cường nghiên cứu các thuật toán hiện đại, sử dụng các phần mềm tiên tiến. Từng bước xây dựng các phần mềm ứng dụng riêng đạt trình độ tiên tiến, phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam.
Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện tổ hợp các phương pháp địa vật lý máy bay để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trên những vùng có điều kiện địa hình địa chất khó khăn, các vùng biển đảo và vùng biển nông ven bờ; Điều tra, khảo sát, xây dựng Atlas các trường địa vật lý theo các vùng và khu vực lãnh thổ, lãnh hải có tỷ lệ lớn phục vụ trực tiếp công tác quản lý, quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho từng vùng, từng khu vực và các đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cả nước.
Phạm Thu Hà