Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lưu Nguyên Sơn |
Giải ngân mới đạt 33,9% kế hoạch
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Số liệu thống kê cho thấy, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 159 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 145 nghìn tỷ đồng, đạt 37,55% kế hoạch; vốn nước ngoài là 7,061 nghìn tỷ đồng, đạt 12,52% kế hoạch; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7,065 nghìn tỷ đồng, đạt 25,85% kế hoạch.
Theo ông Đoàn Xuân Tiên, mặc dù chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Hơn thế, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng tới huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.
Về công tác kiểm toán các dự án đầu tư công, ông Đoàn Xuân Tiên cho biết, qua kiểm toán những năm qua, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng bao gồm thu hồi nộp NSNN, giảm thanh toán và xử lý khác. KTNN cũng có rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án; kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đầy nhanh tiến độ giải ngân
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, của từng bộ, ngành, cơ quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương. Ảnh minh họa |
Theo ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/8/2020, tỷ lệ giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của tỉnh Nghệ An đạt 97,63%; vốn ngân sách địa phương quản lý đạt 7.887 tỷ đồng, đạt 63,82%; trong đó, giải ngân nguồn đầu tư tập trung đạt 4.492 tỷ đồng, đạt 66,45%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Nghệ An là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% và là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung.
Ông Lê Hồng Vinh cho biết, để nâng cao kết quả giải ngân, tỉnh đã thực hiện giao vốn kịp thời ngay khi có quyết định giao vốn của Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Mặt khác, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh đã chủ động xây dựng và giao kế hoạch phù hợp với tiến độ thực tế của các chương trình, dự án; chỉ đạo các cấp, các ngành thực sự vào cuộc, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án mới sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương kịp thời. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công.
Đối với các công trình trọng điểm, UBND tỉnh Nghệ An đã có phân công chỉ đạo cho từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp bàn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đảm bảo tiến độ được giao.
Với tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết, tính đến ngày 31/8/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 66,4% kế hoạch vốn được giao, xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân.
Để đạt được kết quả này, tỉnh xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Theo đó, tỉnh đã phân công các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án cụ thể. Mặt khác, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật.
Đồng thời, tỉnh cũng giao chỉ tiêu về giải phóng mặt bằng cụ thể đối với từng huyện, thị xã, thành phố, làm cơ sở kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện, để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Mặt khác, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, rút ngắn từ 30%-50% thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục của dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, đến giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng công trình đưa vào khai thác sử dụng; yêu cầu các chủ đầu tư kết hợp đồng thời các nội dung công việc để đảm bảo vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa rút ngắn thời gian thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá hoạt động của KTNN trong những năm qua đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nước về quản lý và sử dụng ngân sách nói chung và vốn đầu tư công nói riêng. Hoạt động kiểm toán đã góp phần cung cấp thông tin xác thực, toàn diện tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách của địa phương; kiến nghị của KTNN đối với từng nội dung cụ thể đã giúp cho các đơn vị được kiểm toán rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục, sử dụng vốn ngân sách đúng mục đích, đúng quy định; ngăn ngừa được những tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản; góp phần làm cho nguồn lực ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả;...