Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, từ năm 2021 đến nay, Sơn La đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương, chuyển từ “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng với điểm sáng năm 2021 là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,19%, GRDP bình quân đạt 45,2 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, hơn 700 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016- 2020 còn 15,1%, giảm 3,28% so với năm 2020.
Tuy nhiên, hoạt động nông lâm nghiệp, thủy sản cũng làm phát sinh nhiều sức ép lên môi trường. Hoạt động trồng trọt đã làm phát sinh lượng chất thải nguy hại từ vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, gia tăng thoái hóa đất, sự xuất hiện các loài động thực vật ngoại lai. Hoạt động chăn nuôi làm gia tăng tình trạng ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, nhất là tại các huyện chăn nuôi tập trung như Mai Sơn, Mộc Châu, ảnh hưởng tới môi trường sống của nhân dân.
Với quan điểm lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều nhóm giải pháp hiệu quả. Trong đó, đã đổi mới công tác quản lý môi trường, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Gắn nội dung bảo vệ môi trường vào trung tâm của các quyết định về phát triển, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đơn thuần.
Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên các lĩnh vực nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu... Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; xử lý, khắc phục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đẩy mạnh thu gom, xử lý chất thải; tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường... Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chất lượng môi trường khu vực đô thị, vùng nông thôn và khu dân cư tập trung từng bước được cải thiện.
Toàn tỉnh hiện có gần 5.000 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đã phát động Chương trình “Đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy thực phẩm” tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn; xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, được đông đảo người dân hưởng ứng. Công tác vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tuân thủ các quy định trong quản lý chất thải nguy hại.
Các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi đều được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường. Tổ chức ký cam kết việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với Giám đốc Sở TN&MT; ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Trưởng phòng TN&MT các huyện, thành phố với Giám đốc Sở TN&MT trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản (cà phê, tinh bột sắn, mía đường) trên địa bàn huyện Thuận Châu, huyện Mai Sơn và Thành phố Sơn La. Đổi mới phương thức giám sát bằng hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp các khu vực xử lý chất thải về cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo kiểm tra, giám sát trong toàn bộ thời gian hoạt động của các cơ sở có hoạt động xả thải.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng. Đã tận dụng chất thải trong trồng trọt (rơm rạ, thân ngô, lõi ngô, bã mía, lá mía, vỏ cà phê, vỏ sắn, vỏ chanh leo...) làm phân bón hữu cơ, than sinh học, thức ăn chăn nuôi, vật liệu, chất độn... Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ sinh học hướng đến chăn nuôi an toàn và bảo vệ môi trường. Qua đó, các cơ sở chăn nuôi tập trung đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải; các hộ chăn nuôi nông hộ đã xây dựng trên 3.000 công trình xử lý chất thải bằng bể biogas.
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả, cây trồng cạn và rau màu có giá trị kinh tế cao tại các vùng chuyên canh với diện tích hơn 1.200ha. Triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng của hệ trống trạm bơm tưới, tiêu và các hệ thống thiết bị sử dụng trong thủy lợi.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường nói chung và trong sản xuất nông nghiệp nói riêng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý rừng bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó, rà soát sửa đổi bổ sung và ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh phù hợp với các quy định mới. Thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của các dự án. Kiểm soát chặt chẽ các khu, cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT. Chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát, ứng phó về thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung các cơ sở phát sinh chất thải lớn, các cơ sở chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước, các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các sự cố môi trường. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu như: Chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; Mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng tái định cư thủy điện Sơn La; Mô hình trồng rau an toàn; Mô hình nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam Sơn La; Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sữa tươi giữa hộ gia đình, cá nhân với Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu...