(TN&MT) – Sáng 6/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc...
(TN&MT) – Sáng 6/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người”. Hơn 100 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng 16 dân tộc đã về tham dự chương trình.
|
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Hội nghi được tổ chức nhân dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh 2/9, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để đại diện của đồng bào được giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực, phù hợp với dân tộc mình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, bài toán cấp bách hiện nay là làm cách nào để tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số của đồng bào dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người. Đó là giải pháp có tính chiến lược để bước đầu thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số này.
|
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao quà cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người |
Từ góc độ khoa học, PGS.TS Lê Ngọc Thắng - Nhà nghiên cứu về Dân tộc thiểu số cho rằng, vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người đặt ra rất nhiều vấn đề cần quan tâm để có hiệu quả, đáp ứng được tình hình thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, chủ trương tiên quyết là cần có biện pháp gia tăng dân số đối với 16 tộc người đó, chỉnh sửa bổ sung nội dung mỗi gia đình có 2 con đối với các dân tộc người thuộc nhóm này.
|
Già làng người dân tộc Rơ Măm chia sẻ nguyện vọng tại hội nghị |
Ông Lê Ngọc Thắng cho rằng, cần có chính sách dân số đặc thù, chính sách chăm sóc sức khỏe đặc thù đối với quá trình mang thai, sinh đẻ, nuôi dưỡng đối với sản phụ và trẻ sơ sinh. Đầu tư nguồn lực (con người, kinh phí, thời gian) thỏa đáng, đủ tầm để tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng dân số. Khám và đánh giá sức khỏe tổng thể đối với 16 tộc người thuộc nhóm này để có chiến lược gia tăng dân số có chất lượng theo yêu cầu phát triển hiện nay.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các trưởng đoàn tham dự đã chia sẻ về bản sắc văn hóa và đề xuất một số giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số cả nước nói chung và trên địa bàn các tỉnh nói riêng đạt kết quả. Đó là các giải pháp cụ thể về: chính sách, chế độ ưu đãi, vinh danh nhằm khuyến khích nghệ nhân người dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa; ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa – xã hội; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa vùng miền…
|
Toàn cảnh hội nghị |
16 tộc người có dân số dưới 10.000 người ở nước ta hiện nay gồm: Pà Thẻn, Cờ Lao, Pu Péo (Hà Giang); Lô Lô, Ngái (Cao Bằng); La Hủ, Lự, Mảng, Cống, Si La (Lai Châu); La Ha (Lào Cai); Chứt (Quảng Bình); Ơ Đu (Nghệ An); Brâu, Rơ Măm (Kon Tum).
Tuyết Chinh