Môi trường

Nâng cao chuỗi giá trị cây sắn gắn với bảo vệ môi trường tại Sơn La:Bài 1: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến

Nguyễn Nga 30/11/2024 - 16:12

(TN&MT) - Với trên 42.000ha trải rộng trên địa bàn 10 huyện, sản lượng đạt trên 520.000 tấn mỗi năm, sắn được xác định là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Sơn La.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 nhà máy thu mua, chế biến tinh bột sắn quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, đạt chuẩn, thân thiện môi trường, tiêu thụ trung bình khoảng 300.000 tấn sắn tươi cho nông dân mỗi năm, góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người trồng sắn.

an-to-san-nguyen-lieu(1).jpg
Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La sử dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền khép kín, tự động của các nước châu Âu.

Hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2017, những năm qua, Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La (khu công nghiệp Mai Sơn, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn) đã làm tốt vai trò thu mua, chế biến, liên kết sản xuất với nông dân. Vùng nguyên liệu sắn được duy trì ổn định hàng năm, không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương mà còn là nguồn cung ổn định phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhà máy chế biến nông sản BHL do Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 310 tỷ đồng. Nhà máy có tổng diện tích 11,4 ha, công suất 300 tấn tinh bột sắn/ngày và các sản phẩm phụ là bã sắn sấy khô 50 tấn/24 giờ, phân bón từ vỏ lụa…; sử dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền khép kín, tự động của các nước châu Âu.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hỗ trợ bà con nông dân trồng sắn hiệu quả hơn, ngay từ niên vụ 2018-2019, Công ty đã xây dựng bộ phận nông vụ với những kỹ sư nông nghiệp giàu kinh nghiệm để hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất và mở rộng diện tích trồng sắn. Đồng thời, đưa giống sắn mới vào trồng thử nghiệm tại Sơn La.

Kết quả đạt được cho thấy, từ năng suất 8-10 tấn/ha ban đầu, nay đạt 38 tấn sắn/ha với vùng đất bằng và 15 tấn/ha với vùng đồi núi. Trước tín hiệu khả quan trên, Công ty đã mạnh dạn đầu tư, cung cấp mở rộng giống sắn mới cho bà con; kết hợp triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vật tư, phân bón; ký cam kết thỏa thuận bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định theo giá thị trường.

z6004199116881_3b13a27f409ba001e8416fc3abe23a54(1).jpg
Vùng nguyên liệu sắn của Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La hiện nằm trên địa bàn 8 huyện, sản lượng khoảng 200.000 tấn củ tươi/năm.

Nếu như trước đây, sản phẩm sắn củ tươi chủ yếu cung cấp cho các xưởng sấy (khoảng 156 lò sấy các loại) với giá thu mua từ 1,2-1,6 triệu/tấn. Thì từ khi nhà máy đi vào hoạt động, giá củ sắn tươi được thu mua với giá trung bình 1,9 triệu đồng/tấn, tăng bình quân 30%, giúp người trồng sắn có thu nhập ổn định. Không chỉ thế, việc bao tiêu vùng nguyên liệu đã giúp giá trị cây sắn được bảo vệ, tránh tình trạng bị tiểu thương ép giá, hoặc nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Bà Chử Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La cho biết: Hiện nay, vùng nguyên liệu chính của công ty đã trải dài trên địa bàn 8 huyện là Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp, với sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn củ tươi/năm. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động tại chỗ và hàng nghìn lao động gián tiếp là người nông dân trồng, thu hoạch, vận chuyển sắn…. Đồng thời, tiêu thụ từ 1-1,2 nghìn tấn sắn củ tươi/ngày, góp phần ổn định đời sống, sinh kế cho người dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị tinh bột sắn, tháng 9/2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy chế biến đường lỏng glucose BHL Sơn La với công suất 9.600 tấn/năm.

Sản phẩm chính là đường lỏng glucose (hàm lượng đường 20-26), đường lỏng glucose (hàm lượng đường 38-44), hight maltose… thu được từ thủy phân tinh bột sắn, được tinh chế và cô đặc. Đường glucose lỏng có vị ngọt tương đương 1/3 vị ngọt có trong các loại đường thông thường và thành phần chính là chất ngọt của đường maltoza (man-tô-za); đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, sữa, bánh kẹo…

z6083876292140_6bf5e0a4e3bd62daa2751822187e2a50.jpg
Vận chuyển nguyên liệu sắn để đưa vào sản xuất.

Cùng với đó, trước yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn đối với các đặc tính và tính phù hợp sử dụng của tinh bột sắn, hướng cho sản phẩm tinh bột có thể ứng dụng trong nhiều ngành sản xuất, tháng 5/2024, Công ty Cổ phần nông sản BHL Sơn La tiếp tục được Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La; công suất chế biến 90.000 tấn sản phẩm tinh bột biến tính/năm, tương đương 300 tấn/ngày, phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy dự kiến sẽ sử dụng trên 50 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 40 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, Công ty đang tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả phương châm “Đồng hành cùng bà con nông dân phát triển kinh tế”. Xây dựng kế hoạch, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu, tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân tổ chức sản xuất, thâm canh cây sắn một cách bài bản, kỹ thuật. Quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Mở rộng sản xuất theo hướng chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, như tinh bột biến tính, mạch nha...

Bài 2: Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chuỗi giá trị cây sắn gắn với bảo vệ môi trường tại Sơn La: Bài 1: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO