Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS

Phương Hà| 29/01/2021 14:08

(TN&MT) - Vừa qua, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn, vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ: nghiên cứu tình hình thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một trong những nội dung Chương trình giám sát về giáo dục dân tộc của Hội đồng Dân tộc.

Hội đồng Dân tộc đã khảo sát tình hình thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại địa bàn tỉnh Lào Cai và An Giang. Kết quả giám sát cho thấy, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một giải pháp khoa học và khả thi để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học người DTTS. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chưa có sách giáo khoa song ngữ, tài liệu tham khảo dạy học song ngữ cho người học.

13.jpg

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng giáo dục người DTTS

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ. Thông qua Hội thảo, Hội đồng Dân tộc đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có Dự án “Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”, bổ sung quy định chính sách phụ cấp, trách nhiệm công việc cho giáo viên dạy song ngữ ở các địa phương; bổ sung quy định về nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại các nơi có điều kiện… Đây cũng là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện dạy song ngữ theo chương trình, sách giáo khoa mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO