(TN&MT) - Ngày 16/3 tại Hà Nội, Chính phủ Australia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nạm sẽ đồng tổ chức Hội thảo về bộ công cụ đảm bảo chất lượng cho các khoá học trực tuyến hay bán trực tuyến. Việc xây dựng bộ công cụ là một phần của dự án APEC về "Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến" được tài trợ bởi Chính phủ Australia.
Ảnh minh họa |
Hội thảo nhằm tìm kiếm các ý kiến phản hồi về bộ công cụ; thảo luận phương hướng của Việt Nam và những thách thức trong công cuộc đảm bảo chất lượng cho đào tạo trực tuyến và giáo dục từ xa. Đồng thời, đánh giá xem bộ công cụ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện nền tảng đánh giá chất lượng có sẵn nhằm đương đầu tốt hơn với các thách thức trong tương lai.
Việt Nam là một trong ba nền kinh tế nhận được trợ giúp quốc gia từ dự án APEC về "Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến". Mục tiêu của dự án này là nâng cao năng lực quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng của các khoá học trực tuyến ở bậc đại học, bất kể khoá học đấy đến từ nhà cung cấp trong hay ngoài nước. Đồng thời, tại buổi hội thảo, TEQSA và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ký kết một Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng.
Dự án được khởi xướng bởi Australia, với các quốc gia đồng tài trợ là Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Peru, Thái Lan và Việt Nam. Dự án này được thiết kế với mục đích nâng cao năng lực và tính sẵn sàng của các cơ quan kiểm định chất lượng để đánh giá bằng cấp từ các khoá học trực tuyến, bao gồm cả các bằng cấp được cấp bởi các cơ sở trong nước.
Đồng thời, điều này sẽ hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trong nước trong việc tìm kiếm sự phê chuẩn cho các khóa học hợp tác với nhà cung cấp nước ngoài. Dự án này cũng góp phần xây dựng hiểu biết chung và công nhận cho các khóa đào tạo trực tuyến chất lượng cao, cho phép linh hoạt hơn trong giáo dục xuyên quốc gia và hợp tác công nhận các bằng cấp nhận được từ đào tạo trực tuyến trong khu vực.
Hội thảo tại Việt Nam lần này nằm trong chuỗi các buổi hội đàm quốc gia nhằm áp dụng bộ công cụ để nâng cao hơn nữa các nền tảng và thủ tục đảm bảo chất lượng quốc gia. Nối tiếp chuỗi toạ đàm, bộ công cụ sẽ được cải thiện hơn nữa để phiên bản cuối cùng có thể được các nền kinh tế thành viên APEC công nhận vào tháng 5 tới.
Phương Anh