Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong giai đoạn mới

Thúy Nhi| 17/03/2023 19:00

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Hội báo toàn quốc 2023, chiều 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay".

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng và Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân chủ trì Tọa đàm

Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại chuyên nghiệp và nhân văn.

img_2225.jpg
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo đó, trong gần 3 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức lớp học so với những năm trước đó, nhưng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã cố gắng khắc phục những khó khăn và đổi mới các phương thức tổ chức lớp học nên về cơ bản vẫn đáp ứng được các nhu cầu học tập của các hội viên – nhà báo trên toàn quốc.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh qui hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam và sự ủng hộ, giúp đỡ của Văn phòng Hội, Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí nên tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước.

Trong năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực. Tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí. Cùng với việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí, Trung tâm sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.

img_2229.jpg
Quang cảnh Tọa đàm

Ngoài ra, sẽ tiếp tục tranh thủ xây dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.

Tại hội thảo nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Cùng với đó, những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO