Môi trường

Nâng cao chất lượng cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững

Nguyễn Nga 28/08/2024 - 11:08

(TN&MT) - Ngày 27/8, Hội Cà phê Sơn La tổ chức Hội nghị thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh và bền vững.

Thách thức trong công tác bảo vệ môi trường

Hiện nay, Sơn La có trên 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố; sản lượng hàng năm ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng.

a2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Trong đó, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương là trên 18.500 ha; 97ha cà phê đặc sản; 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000ha, 1.560 hộ gia đình tham gia.

Từ năm 2017, cà phê Sơn La đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống, cà phê hạt rang và cà phê bột. Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 8 tổ chức trên địa bàn.

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê Sơn La cho biết: Hiện nay, cà phê Sơn La đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mùa mưa tập trung gây xói mòn rửa trôi đất, làm giảm độ phì đất.

Mùa khô gây hạn hán, rét đậm, rét hại, đặc biệt là sương muối ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cà phê và đời sống nhân dân. Qua rà soát, một phần diện tích cà phê trồng từ những năm 1990, nay đã già cỗi, quả nhỏ, năng suất, chất lượng không cao, cần tái canh bằng những bộ giống mới.

img_6407.jpg
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Sơn La, với hơn 21.000ha cà phê toàn tỉnh.

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến cà phê vẫn là bài toán đầy thách thức. Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh, để bảo vệ môi trường trong chế biến cà phê, Sở TN&MT đã tham mưu các giải pháp về quy hoạch, bố trí quỹ đất để thu hút các Nhà máy chế biến cà phê tập trung với công nghệ chế biến, xử lý môi trường tiến tiến.

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh đã cập nhật các nhu cầu cho việc xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản và cho phát triển vùng nguyên liệu.

Song, đến nay, toàn tỉnh mới có 5 cơ sở sản xuất cà phê tươi quy mô tập trung và một số cơ sở nhỏ đáp ứng yêu cầu về môi trường, đáp ứng khoảng 35-40% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

Phần lớn sản lượng cà phê còn lại được sơ chế tại các hộ gia đình, sau đó bán lại cà phê nhân cho các doanh nghiệp thu mua. Đa số các hộ gia đình chưa có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo quy định, gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên địa bàn một số xã, chủ yếu tập trung tại huyện Mai Sơn.

img_2525.jpeg
Những năm qua, UBND tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung.

Bên cạnh đó, thế mạnh của tỉnh là sản xuất chế biến nông sản; song, công tác quy hoạch, đầu tư các cụm công nghiệp có hoạt động chế biến nông sản gắn với hệ thống xử lý môi trường còn hạn chế. Các cơ sở chế biến đa số hình thành tự phát, không được đầu tư bài bản về hệ thống xử lý chất thải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Ngoài ra, việc phơi sấy còn thủ công, khó kiểm soát chất lượng đã ảnh hưởng đến độ đồng đều và chất lượng cà phê. Đây là thách thức lớn đến sự phát triển bền vững ngành cà phê Sơn La.

Gỡ “nút thắt” để thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp sản xuất cà phê thích ứng với quy định không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, có hiệu lực từ tháng 1/2025; giải pháp phát triển sản xuất, chế biến cà phê theo chuỗi kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững; giải pháp phát triển sản xuất cà phê hữu cơ; thực trạng xử lý môi trường trong các nhà máy chế biến cà phê...

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đã kiến nghị với tỉnh một số nội dung, gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách gỡ "nút thắt" trong thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp; cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư hoạt động chế biến cà phê quy mô lớn;

Khảo sát, đánh giá, quy hoạch vùng trồng cà phê theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng địa phương để hình thành các vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ, thân thiện môi trường...

a1(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công đã ghi nhận những kết quả mà ngành cà phê Sơn La đã đạt được trong thời gian qua.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp. Duy trì các Tổ công tác giám sát công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan truyền thông về ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu, tiến tới khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO