Không chỉ ngang nhiên xây dựng "lộ thiên" ngay mặt đường của tuyến đường chính Phạm Hùng, các nhà xưởng trái phép còn nằm san sát nhau, cạnh cổng làng Đình Thôn, trải dài về 2 phía, kinh doanh tự do đa dạng các ngành nghề như salon, showroom ô tô, cửa hàng ăn uống, cửa hàng quần áo, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng…
Các kiot và nhà xưởng này đều xây dựng lụp xụp, chỉ bằng những khung sắt, mái tôn quây lại. Riêng với cửa hàng quần áo “Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu", mặc dù xây dựng trái phép nhưng hiện đã được dựng kiên cố, đầu tư lắp đặt hệ thống ánh sáng, điện nước, điều hoà hiện đại với diện tích hàng trăm m2.
Bên cạnh đó, một số khu vực mặt tiền, nằm ngay ngoài mặt đường Thiên Hiền đã được gia cố thành các xưởng ô tô, thậm chí các vị trí nhỏ hơn cũng được tận dụng làm nơi thu gom sắt vụn, dựng quán ăn tạm, quầy bán điện thoại…
Chưa kể đến, đây là khu vực dân cư sinh sống đông đúc, nhà xưởng dịch vụ sinh ra kéo theo các xe tải, xe container cũng ra vào tấp nập khu phố này. Những nhà xưởng hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, hàn xì,... gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn cháy nổ.
Hầu hết những nhà xưởng được xây dựng “vô tư” trên đất công không có kiểm định an toàn về hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), nguy cơ cháy nổ là rất lớn.
Một người dân sống trong làng Đình Thôn phản ánh, những nhà xưởng và kiot này đã tồn tại từ nhiều năm nay: "Nhà xưởng cứ tự dưng mọc lên, lúc đầu chỉ vài ba nhà nên người dân không để ý, đến sau thì mọc lên chiếm cả đường đi lại. Họ cứ xây dựng như vậy ngày càng nhiều, không biết những nhà xưởng và kiot đó có được sự cho phép của chính quyền không?"
Cũng từ đó, rất nhiều trang web đăng hình ảnh quảng cáo rao thuê nhà xưởng trái phép trên mặt đường Phạm Hùng với diện tích rộng hàng trăm m2, giá cho thuê dao động từ 35 - 50 triệu đồng/tháng. Quảng cáo rao bán mời chào theo những tiện nghi như: hiện trạng đã làm bắt khung, có mái tôn khung thép cao 5m, tát sàn gạch rất cẩn thận, đường xe tải vào được, dễ dàng di chuyển ra các tuyến phố chính,... kèm số điện thoại của người cho thuê.
Điều này cũng gợi lên nghi ngại khi những nhà xưởng và kiot xây dựng tràn lan tại dọc tuyến đường chính này đang được xây dựng và hoạt động trái phép nhưng lại được rao bán, cho thuê mặt bằng như đã có chính chủ đứng tên?! Liệu những tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào sẽ là người “hốt bạc"?
Trước những nghi vấn trên, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1, ông cho biết các nhà xưởng dọc tuyến đường Phạm Hùng cạnh làng Đình Thôn đã tồn tại từ lâu, thời điểm trước năm 2003.
Hiện nay, phường Mỹ Đình 1 đã kiểm tra và ghi nhận có 17 hộ bao gồm các nhà xưởng và kiot xây dựng trái phép đang được tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) tại tuyến đường Phạm Hùng - Lê Đức Thọ. 17 hộ này đã có quyết định cưỡng chế của UBND quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, do vấp phải nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện từ người dân liên quan đến quy trình cưỡng chế, GPMB nên hiện nay Thanh tra thành phố đang rà soát lại toàn bộ hồ sơ để UBND quận cùng Ban Quản lý dự án quận Nam Từ Liêm xây dựng kế hoạch cụ thể xử lý.
"Quận đang chỉ đạo quyết liệt nên tình trạng này có thể trong tháng này hoặc tháng sau sẽ tiến hành" - ông Dương thông tin.
Kế hoạch xử lý, quyết định cưỡng chế cũng đã có, liệu các kiot, nhà xưởng xây dựng trái phép tồn tại "lộ thiên" từ nhiều năm nay có được giải quyết dứt điểm?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin…