Nam Sách (Hải Dương): Dân dựng lều canh cát tặc

26/11/2016 00:00

(TN&MT) - Không thể để "miếng ăn manh áo" hàng ngày trôi sông do nạn khai thác cát trái phép, người dân đã chọn cho mình giải pháp "tự cứu mình", ngày đêm gian...

 

(TN&MT) - Bãi bồi của thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) với những tấc đất “vàng”, đã từng giúp cho người dân có thêm thu nhập, góp cho cuộc sống thêm no ấm. Nhưng thật “chua xót” từng thước đất là kế sinh nhai đã “hiến cho hà bá”, không thể để “miếng ăn manh áo” hàng ngày trôi sông do nạn khai thác cát trái phép, các gia đình ở đây đã chọn cho mình giải pháp “tự cứu mình” ngày đêm gian nan trông coi “giành giật” từng tấc đất bãi bồi với cát tặc.

Người dân thôn Tân Thắng dựng lều canh cát tặc
Người dân thôn Tân Thắng dựng lều canh cát tặc

Dân điêu đứng vì cát tặc

Đến thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) nhìn bãi bồi phù sa màu mỡ bị trôi sông nham nhở, chúng tôi mới thấu nỗi xót xa, bức xúc của 280 hộ dân do nạn cát tặc hoành hành. Được biết, bãi bồi thôn Tân Thắng trước có diện tích 70 mẫu đất bồi phù sa, được bồi đắp từ sông Thái Bình, chia cho các nhân khẩu từ năm 1993. Hàng năm, diện tích đất này đã cho nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập từ việc trồng hoa màu: ngô, khoai, lạc…. nhưng vấn nạn khai thác cát trái phép đã khiến cho 40 mẫu đất trôi sông, lòng sông ngày một rộng, bãi bồi thu hẹp dần tiến sát chân đê.

Ông Phạm Văn Năng dẫn chúng tôi đến bãi đất gia đình, chua xót nói: “Gia đình tôi được chia 2 sào đất để canh tác hoa màu, có chiều dài 140m từ hành lang đê ra tới mép sông. Do nạn khai thác cát nên hiện đất của gia đình chưa còn được ½ diện tích. Nếu vừa qua, thôn không thành lập đội tự quản bảo vệ đất ngày đêm, thì đến nay diện tích đất của gia đình đã không còn 1 tấc. Người dân không thể trông chờ vào ai mà phải tự “cứu mình”, bởi đất đai là “kế sinh nhai” mất đất, đồng nghĩa với người dân mất cuộc sống, nên bằng mọi giá phải giữ từng tấc đất”.

Nạn cát tặc tràn lan đã khiến gia đình ông Vũ Đình Ngợi rơi vào cảnh khốn đốn. Năm 2009, gia đình ông Ngợi được chia 3 sào đất hoa màu để canh tác, nhưng chỉ vài tháng cuối năm 2015 và tháng 8,9/2016 diện tích được chia chỉ còn lại 3 miếng. Đất bãi là nguồn thu chủ yếu của gia đình ông để nuôi 4 con ăn, học nhưng nay đã trôi sông gần hết, mất đất vĩnh viễn không chỉ là nỗi xót xa, tiếc của… mà hàng ngày vợ chồng ông Ngợi phải bươn trải làm thuê mướn lấy tiền nuôi các con ăn học.

Trong 200 hộ dân của thôn Tân Thắng được chia đất bãi bồi, với diện tích 70 mẫu thì đến nay nhiều hộ mất trắng và quá nửa diện tích. Những hộ gia đình dù chưa bị mất đất nhưng cũng như “ngồi trên đống lửa” bởi nếu không có giải pháp thì bãi bồi cũng dần hiến cho “Hà Bá”. Chính vì vậy, người dân thôn Tân Thắng đã bàn bạc thống nhất, tự trang bị thiết bị, giải pháp để ngày đêm ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép.

Do cát tặc nên người dân thôn Tân Thắng đã bị mất 40 mẫu đất bãi bồi mầu mỡ
Do cát tặc nên người dân thôn Tân Thắng đã bị mất 40 mẫu đất bãi bồi mầu mỡ

Khi người dân tự cứu mình

Trước nạn cát tặc ngày đêm ngang nhiên hoành hành phá nát bãi đất bồi, người dân thôn Tân Thắng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp. Nhưng chính quyền địa phương xã Thái Tân “lực bất tòng tâm” bởi lực lượng mỏng, không có phương tiện, kinh phí… cho hoạt động canh giữ cát tặc - ông Phạm Ngọc Trước Bí thư chi bộ thôn, kiêm Phó chủ tịch Mặt trận xã Thái Tân, giãi bày: Thực tế chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện chống lại khai thác cát trái phép là rất khó khăn, nan giải… Đến như cấp huyện nhiều lần ra quân bắt, xử phạt xong đâu lại đóng đấy, vì các giải pháp chưa đủ răn đe, không túc trực 24/24 giờ hàng ngày. Mỗi lần xã phát hiện tàu cát đều báo cho Công an, nhưng rồi lại “đâu đóng đấy” không hiểu sao các tàu vẫn cứ ngang nhiên ra, vào hút cát như chỗ không người. Đó chính là lý do, người dân thôn Tân Thắng quyết tâm đứng ra tự tìm cách bảo vệ đất.

Người dân thôn Tân Thắng quyết tâm giữ những bãi bồi màu mỡ còn lại
Người dân thôn Tân Thắng quyết tâm giữ những bãi bồi màu mỡ còn lại

“Không thể mãi ngồi nhìn đất phù sa màu mỡ trôi sông, ngày đêm tàu cát vào thỏa sức khai thác, chính quyền thôn đã họp bàn người dân thống nhất giải pháp để giữ đất canh tác” - ông Phạm Văn Hiển, Trưởng thôn Tân Thắng cho biết: Thời gian, thôn chưa thành lập Đội tự quản hàng ngày luôn có chục tàu cát với công suất từ 100m3 - 300m3, vào hút trộm cát. Các tàu đều dùng vòi hút cát lớn đưa thẳng vào bãi đất, khi người dân đánh kẻng tập trung ra đến bãi thì nhiều tàu đã hút đầy cát di chuyển ra ngoài xa. Nay Đội tự quản được thành lập, dựng chòi gác ngay tại bãi nên chủ động xua đuổi tàu, ngoài lực lượng đội tự quản thường xuyên thay nhau túc trực, người dân trong thôn sẵn sàng hỗ trợ khi có tiếng kẻng báo động. Để ngăn chặn triệt để các tàu hút cát, người dân trong thôn đóng góp tiền mua 30 áo phao và một thuyền máy để truy đuổi. Cũng do miếng cơm, manh áo bị cát tặc “ăn cướp” nên dân đã phải liều mình chống chọi lại nguy hiểm ngày đêm rình rập, bởi những kẻ đã chủ tâm làm việc sai trái thường manh động, nguy hiểm, chống trả khi bị truy đuổi. Không ít lần, người dân khi xua đuổi tàu đã bị đe dọa, và đánh lại...

Bằng những biện pháp cứng rắn, quyết tâm không để cho 1 tàu cát nào vào hút cát, nên từ cuối tháng 10 và trong tháng 11/2016  không có tàu cát tặc nào dám bén mảng đến khu vực đất của thôn. Dù muộn còn hơn không, người dân Tân Thắng không để mất thêm một tấc đất nào vào tay “cát tặc” nữa! – ông Hiển nói chắc như “đinh đóng cột”.

Việc người dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách làm lều, trang bị phương tiện đã ngăn chặn hẳn được nạn khai thác cát trái phép. Việc làm của người dân cũng là do vào “thế cùng”, nên họ mới làm như vậy. Chính những việc làm, hành động này đang đặt ra câu hỏi: Vì sao, chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương “bất lực”, mà người dân lại làm được? Nguyên nhân này do đâu, hay đằng sau việc khai thác cát trái phép còn điều gì “khuất tất”?

Bài & ảnh: Khánh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Sách (Hải Dương): Dân dựng lều canh cát tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO