Nam Định: Nhọc nhằn một mình nuôi 3 con bị nhiễm chất độc da cam

31/10/2017 00:00

(TN&MT) - Tâm sự với chúng tôi chị nói: Vì cuộc sống của các con, với sự giúp đỡ của toàn xã hội, tôi cố quyên đi nỗi vất vả của cuộc sống. Chị cũng mong muốn có được sự chia sẻ của xã hội với gia đình chị để vơi đi nỗi đau da cam, để được bình yên trong cuộc sống với con cái. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt hằn sâu vết chân chim của người phụ nữ đã hơn nửa đời người sống cùng bệnh với những người con của mình "Không biết rồi đây, cuộc sống của các con tôi sẽ đi đến đâu khi tôi già yếu không phục vụ được và qua đời?"

>> Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc dacam

Hạnh phúc không mỉm cười

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, được bố mẹ cho ăn học hết lớp 7. Tháng 6 năm 1978, chị Mai Thị Sự kết hôn với anh Mai Văn Tần, là bộ đội đã tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam về phục viên, điều không may, trong những năm tháng chiến đấu anh đã bị nhiễm chất độc da cam.

Chồng tôi là Mai Văn Tần, sinh năm 1953, nhập ngũ cuối năm 1972, xuất ngũ năm 1987, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1973-1975, đơn vị công tác Đại đội 6, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 138, Bộ Tư lệnh Thông tin, là nạn nhân chất độc da cam, đã từ trần tháng 2 năm 2012

Hai vợ chồng sinh được 4 người con, gồm:

1. Mai Văn Đạt, sinh năm 1980, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, không đi lại được, luôn bị động kinh, điếc, sinh hoạt tại chỗ

2. Mai Thị Huyền, sinh năm 1983, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, ngớ ngẩn, không khôn.

3. Mai Thị Quyên, sinh năm 1985, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, động kinh, hay tự ngã, không khôn.

4. Mai Thị Nhàn, sinh năm 1988, không được khôn, hiện đang phụ bếp một nhà hàng ăn, ở thành phố Hà Nội.

Tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười sau những năm tháng lấy chồng, nhưng số phận đã không mỉm cười với gia đình. Sau khi lấy nhau, chị đã bị 2 lần sinh non, đẻ con ra không sống được. Thời gian đầu, cả anh và chị không hiểu nguyên do chất độc hoá học mà chồng bị nhiễm, sau đó, cả hai vợ chồng vẫn muốn sinh con và ước muốn một phép màu nào đó sẽ giúp vợ chồng đứa con lành lặn để trông cậy khi về già. Lần lượt những người con của anh chị Mai Văn Đạt, sinh năm 1980; Mai Thị Huyền, sinh năm 1983; Mai Thị Quyên, sinh năm 1985; Mai Thị Nhàn, sinh năm 1988 lần lượt ra đời (Riêng có Mai Thị Nhàn là bệnh tình so với các anh chị là nhẹ nhất, nhưng không được khôn, trước có một thời gian làm phụ bếp dưới Hà Nội, hiện tại đã về nhà để phụ mẹ chăm sóc các anh chị).

Bốn người con của anh chị Sự - Tần khi sinh ra tưởng bình thường, nhưng sau đó anh chị nhận thấy các con đều bị các bệnh như thần kinh phân liệt, động kinh, điếc, ngớ ngẩn. Khi các lớn lên không biết làm gì, suốt ngày lang thang thơ thẩn. "Khổ nhất là cháu Đạt, cháu bị điếc, động kinh, đến nay cháu bị nằm liệt tại chỗ, không tự sinh hoạt được, ăn phải đút, đi tiểu tiện mẹ phải bưng bộ phục vụ. Các con tôi thường xuyên ốm đau, phải thuốc men điều trị." - Chị Sự tâm sự.

Chị Mai Thị Sự chia sẻ với phóng viên về cuộc sống gia đình hiện tại
Chị Mai Thị Sự chia sẻ với phóng viên về cuộc sống gia đình hiện tại. Ảnh Minh Hiếu

Gánh nặng cuộc sống lại đè nặng lên vai người phụ nữ quê mùa, chân chất. Anh Mai Văn Tần bị bệnh tiểu đường biến chứng và mất tháng 2 năm 2012, để lại cho chị 4 đứa con bệnh tật, ngớ ngẩn.

Cuộc sống thật cơ cực, chị chỉ trông vào mấy sào ruộng và mảnh vườn chứ không có nguồn thu nhập nào khác. Hàng ngày phải cật lực làm ruộng, làm vườn để có rau, gạo cho các con ăn, vì bệnh tật của các con, ba cháu được hưởng chế độ chất độc da cam với mức phụ cấp thấp, không đủ thuốc thang chữa bệnh.

Nhọc nhằn một mình chăm 3 con.

Mai Thị Huyền, sinh năm 1983, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, ngớ ngẩn, không khôn.
"Mai Thị Huyền, sinh năm 1983, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, ngớ ngẩn, không khôn." Ảnh Minh Hiếu

Trong căn nhà đơn sơ ở xóm 2, xã Nghĩa An, Nam Trực, Nam Định, hàng ngày, chị Sự thức khuya, dậy sớm lo miếng cơm cho con, vệ sinh, giặt giũ phục vụ các cháu. Chị kể, có hôm bị ốm, chóng mặt không dậy được thì các con ăn mỳ tôm sống. Cuộc sống của mấy mẹ con thật cơ cực, nhiều lúc không dám nghĩ dại, vì khi đó ai sẽ chăm con, ai đút cơm, bón cháo cho con. Anh em họ hàng, làng xóm vẫn lo lắng quan tâm nhưng "kiến giả nhất phận", kinh tế cũng thiếu thốn. Ngày này qua ngày khác, cuộc sống khó khăn cứ triền miên lặp lại.

Chị tâm sự về cuộc sống, nhiều lúc nghĩ về công lao cống hiến của chồng đã hy sinh tuổi thanh xuân trai trẻ, lên đường theo tiếng gọi của non sông để bảo vệ Tổ quốc, rồi được hàng xóm, họ hàng động viên an ủi cho nên chị phải mạnh mẽ hơn để làm ruộng vườn, chăm sóc các con.

"Riêng cháu Đạt tôi phải trông nom phục vụ thường xuyên vì bệnh động kinh của cháu, đôi khi tôi đi làm đồng cũng không yên. Khi cháu Đạt bị động kinh lăn đùng ngã, đập và vào tường hoặc các vật cứng, chảy máu, sưng đầu, tôi lại phải bỏ ruộng vườn về băng vết thương cầm máu cho con. Các em của Đạt đều ngớ ngẩn, không khôn nên cũng không giúp được việc gì."... chị Sự rưng rưng nước mắt chia sẻ.

Mai Thị Quyên, sinh năm 1985, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, động kinh, hay tự ngã, không khôn.
Mai Thị Quyên, sinh năm 1985, nạn nhân chất độc da cam, đang hưởng chế độ mức 2. Cháu bị bệnh thần kinh, động kinh, hay tự ngã, không khôn. Ảnh Minh Hiếu

Hoàn cảnh khó khăn, 3 gian nhà cấp 4 do công lao của vợ chồng xây dựng đã nhiều năm xuống cấp, được các tổ chức xã hội giúp đỡ tôn tạo sửa chữa trên mảnh đất của ông cha để lại. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá. Hàng tháng chỉ trông vào 3 suất trợ cấp chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam của các con, tổng cộng là 2.151.000.

Trong những năm qua, chị được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp và cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi, an ủi động viên, tặng quà giúp chị vơi đi được nỗi đau của số phận. Năm 2016, được sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nam Trực, bà Đoàn Thị Sen và Hội từ thiện Đồng Phú (Nam Trực) đã nhận hỗ trợ cho gia đình mỗi tháng 300.000đ để giảm bớt khó khăn. Chị phải vun vén để mua thuốc chữa bệnh cho các con.

Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường trò chuyện cùng gia đình
Nói với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường chị Sự chia sẻ: "Không biết rồi đây, cuộc sống của các con tôi sẽ đi đến đâu khi tôi già yếu không phục vụ được và qua đời??"

Tâm sự với chúng tôi chị nói: Vì cuộc sống của các con, với sự giúp đỡ của toàn xã hội, tôi cố quyên đi nỗi vất vả của cuộc đời, quyết tâm vượt khó vươn lên để chăm sóc các con. Chị cũng mong muốn có được sự chia sẻ của xã hội với gia đình chị để vơi đi nỗi đau da cam, để được bình yên trong cuộc sống với con cái. Nhưng ẩn sâu trong đôi mắt hằn sâu vết chân chim của người phụ nữ đã hơn nửa đời người sống cùng bệnh với các con "Không biết rồi đây, cuộc sống của các con tôi sẽ đi đến đâu khi tôi già yếu không phục vụ được và qua đời??"

Bài: Khương Trung - Ảnh: Minh Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Nhọc nhằn một mình nuôi 3 con bị nhiễm chất độc da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO