Ký hợp đồng thuê đất với mục đích làm “khu nông nghiệp sinh thái và du lịch”, nhưng người thuê đất đã xây khu chăn nuôi, rồi sau đó nuôi lợn với quy mô lớn trong khi chưa xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chất thải của lợn chưa được xử lý, thải thẳng ra môi trường gây mùi hôi thối.
Chất thải “tra tấn” dân
Khu chăn nuôi lợn nói trên là của ông Vũ Trọng Nghĩa (trú xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu) nằm trên địa bàn xã Giao Thịnh (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), ở ngay sát sông Sò. Bên kia sông Sò là xã Hải Phúc (huyện Hải Hậu). Chính vì vậy, tuy khu chăn nuôi không nằm trong xã mình, nhưng người dân xã Hải Phúc bị mùi phân lợn “tấn công” trực diện nhất.
Anh Phạm Văn Phí (xóm 5, xã Hải Phúc) cho biết: “Những người dân sống trong bán kính khoảng 1km đều bị ảnh hưởng bởi mùi hôi. Bị nặng nhất là xã Hải Phúc, Hải Nam của huyện Hải Hậu. Mùi hôi kinh khủng nhất là khi trời nắng nóng, gió đông nam thổi thẳng vào nhà người dân xã chúng tôi. Người dân chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng này”. Một người dân khác, cũng của xã Hải Phúc thì kể: “Nhiều khi gió tạt mùi thối sang phải khép cửa vào mới dám ăn cơm; ngủ phải bịt khẩu trang vào mới chịu được”.
Khu nhà chăn nuôi lợn quy mô của ông Vũ Trọng Nghĩa nằm sát ven sông Sò.
Ông Phạm Đình Chiến, Chủ tịch xã Hải Phúc cho biết, trong cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 7 vừa qua, người dân có phản ánh ý kiến lên HĐND xã về mùi hôi thối gây ra bởi khu nuôi lợn của ông Nghĩa. “Chúng tôi đã tổng hợp ý kiến và gửi lên tỉnh, nhưng hiện vẫn chưa có phản hồi của tỉnh, chưa có cơ quan nào về làm việc với xã để giải quyết vấn đề này”- ông Chiến nói.
Từ “nông nghiệp sinh thái và du lịch” thành... nuôi lợn
Theo ông Phan Văn Minh, Phó Chủ tịch xã Giao Thịnh, khu nuôi lợn của ông Vũ Trọng Nghĩa trước kia là đất thuộc bãi thải ven sông Sò. Sau khi đấu thầu, ngày 21.12.2011, ông Vũ Trọng Nghĩa ký hợp đồng thuê hơn 2ha đất trong thời gian 5 năm với chính quyền xã Giao Thịnh. Tại Điều 5 của hợp đồng này có ghi “sử dụng đúng mục đích khu nông nghiệp sinh thái và du lịch”. Tuy nhiên, sau khi giao cho thuê đất, ông Nghĩa đã xây dựng nhà, sau đó đưa lợn vào nuôi.
“Khi ông Nghĩa đưa lợn vào nuôi, lãnh đạo xã có ý kiến yêu cầu ông Nghĩa phải có biện pháp xử lý về mặt môi trường. Ông Nghĩa lý giải là “nhỡ lợn giống nên đưa qua nuôi tạm”, chưa có biện pháp xử lý về phân thải, mùi hôi”- ông Minh nói.
Ông Vũ Trọng Nghĩa cho biết, đang nuôi hơn 1.000 con lợn thịt. Ông Nghĩa thừa nhận, hiện khu chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý, chỉ có hệ thống thu gom, toàn bộ thải ra ngoài mương. Cũng theo ông Nghĩa, sau khi xuất xong lứa lợn này, sẽ dừng lại và xây dựng hệ thống xử lý chất thải bài bản.
Được biết, tuy nuôi lợn với quy mô lớn như trên, nhưng ông Nghĩa chưa lập dự án. Theo Nghị định 29 của Chính phủ, thì đối với các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở lên đối với các gia súc khác thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo Báo Lao động