Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “Bảo tồn và sử dụng khéo léo các vùng ĐNN thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”, trong đó có Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam định được công nhận là khu Ramsar năm 1989.
Các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến việc bảo vệ con người khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon. Tuy nhiên hiện nay, các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái và biến mất tính từ năm 1970.
Trước thực trạng trên, để hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc về Thập kỷ “Phục hồi Hệ sinh thái” và lời đề nghị của Ban Thư ký Công ước Ramsar, cũng như thực hiện văn bản số 7945/BTNMT-TCMT ngày 26/12/2022 của Bộ TN&MT về việc hưởng ứng ngày Đất ngập nước Thế giới 2/2/2023; UBND tỉnh Nam Định đã ra văn bản số 45/UBND-VP3 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ĐNN Thế giới năm 2023.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước và bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên, phục hồi đất ngập nước bị suy thoái, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tăng cường quản lý, phục hồi ĐNN; tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị của ĐNN, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng ĐNN vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành và địa phương.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến về lợi ích và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn đa dạng sinh học (đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn); tập trung phổ biến về giá trị tầm quan trọng của các vùng ĐNN đối với sự sống của con người và thiên nhiên, nhận thức về các mối đe dọa chính đối với hệ sinh thái ĐNN và kêu gọi mọi người dân cùng cam kết, bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng ĐNN.
Yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế bền vững tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy như: Trồng nấm, nuôi ong, nuôi giun quế, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư thực hiện các dịch vụ du lịch và quản lý bảo vệ cảnh quan sinh thái khu vực du lịch.
Đối với Vườn Quốc gia Xuân Thủy, cần quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ của khu bảo tồn, trừ mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ , xây dựng công trình nhà ở trái phép, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại; khảo sát thăm dò khai thác khoáng sản khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền trong khu bảo tồn hay cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường và chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong phân khu bảo vệ và phân khu phục hồi sinh thái tại khu bảo tồn.
Qua đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày ĐNN Thế giới năm 2023 thực hiện chỉ đạo và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 28/3/2023.