Nam Đàn (Nghệ An): Người dân thấp thỏm bên miệng sông Đào

07/11/2016 00:00

(TN&MT) – Sau đợt mưa lớn kéo dài vào hồi tháng 10 vừa qua, hàng chục hộ dân tại khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) đã và đang đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Thực trạng trên đang khiến hàng ngày những hộ dân nơi đây âu lo, sợ hãi.

Tới nhà ông Đặng Văn Nhuần (SN 1969), trú tại khối Yên Khánh, thị trấn Nam Đàn vào một ngày gần đây, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là con đường vào nhà ông Nhuần đã bị sạt lở rất nguy hiểm, vị trí sạt lở khoét sâu vào sân nhà, bờ kè do gia đình xây đã sụt hoàn toàn xuống sông… Để chống đỡ con đường bê tông đã bị sụt đất phía dưới, ông Nhuần phải sử dụng rất nhiều cọc tre chống đỡ lớp bê tông trên mặt đường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi không ai dám đi trên con đường này khi mà phía dưới lớp bê tông là những cọc tre chống đỡ tạm bợ, yếu ớt chả khác nào...cái bẫy.

Sạt lở nghiêm trọng phần đất gia đình ông Nhuần
Sạt lở nghiêm trọng phần đất gia đình ông Nhuần

Dù đợt mưa lụt kéo dài đã đi qua nhưng nỗi ám ảnh về việc sạt lở đất vẫn khiến ông không khỏi lo lắng. Ông Nhuần cho biết, gia đình tôi mua mảnh đất này của ông Mười, sinh sống ổn định từ năm 1989 đến nay. Trước đây, chúng tôi đã trồng cây phía dưới mép sông Đào để bảo vệ đất, chống sạt lở nhưng trận mưa lớn hôm 14/10 đã làm sụt đất xuống sông, kéo theo bờ kè tôi đã xây dựng trước đó. Giờ đây, mong muốn của gia đình là được tái định cơ một nơi khác hoặc cấp trên quan tâm làm bờ kè đá bờ sông Đào chứ ở đây suốt ngày lo sạt lở đất không thể yên tâm làm ăn, sinh sống được.

Cùng lối vào nhà ông Nhuần là nhà bà Nguyễn Thị Thành,  gia đình này cũng đã làm nhà ở đây từ năm 1995, ngôi nhà giờ nằm ngay sát mép con sông, trận mưa lớn vào tối 14 và ngày 15/10 đã làm con đường và hàng chục mét tường rào sạt lở trôi xuống sông, phá hỏng cả đường ống dẫn nước sạch. Ông Trịnh Văn Phương, chồng bà Thành buồn rầu nói, gia đình về đây sinh sống từ năm 1995, khu đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ do đất đang ở là đất của hành lang sông Đào. Những năm trước mưa nhỏ, sạt lở một phần đã được khắc phục, gia đình cố gắng trồng tre để giữ lại mảnh đất nhưng đợt mưa vừa rồi rất lớn, gây sạt lở nghiêm trọng. Chỉ cần vài đợt mưa giông lớn nữa sẽ sạt lở vào tường nhà!

Tình trạng sạt lở ăn sâu vào phần lớp bê tông làm đường
Tình trạng sạt lở ăn sâu vào phần lớp bê tông làm đường

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực trên không chỉ có gia đình ông Nhuần, bà Phương đang bị sạt lở mà phía bên kia sông Đào (đối diện nhà ông Nhuần) là anh Quách Văn Thọ cũng bị sạt lở đất nghiêm trọng, quan sát trực tiếp chúng tôi có cảm nhận ngôi nhà anh Thọ đang “chênh vênh” bên miệng sông Đào và có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào bởi bờ sông dốc đứng. Anh Thọ cho biết, trận mưa tối 14 và ngày 15/10 vừa qua đã làm chuồng gà gia đình anh Thọ sạt lở trôi xuống sông trong đêm tối, bầy gà cả trăm con cũng vì thế trôi theo dòng nước xiết. Hiện tại, khu vực nhà bếp và giếng nước sẵn sàng rơi xuống lòng sông bất cứ khi nào nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra...

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại thị trấn Nam Đàn có hơn 20 hộ dân cư sinh sống ven sông Đào có nguy cơ bị sạt lở đất. Mặc dù các hộ dân này đã sinh sống ở đây từ rất lâu, song vì vướng vào hành lang sông Đào nên các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều năm qua, các hộ dân đều bỏ ra số tiền lớn để đắp đường, đổ bê tông, kè chắn nhằm đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, có mưa lớn là nguy cơ sạt lở có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Người dân phải dùng cọc tre để chống
Người dân phải dùng cọc tre để chống

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Đàn, cho biết: “Theo thống kê của địa phương thì có khoảng 20 hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng, đặc biệt có 4 hộ đặc biệt nguy hiểm (gia đình ông Đặng Văn Nhuần; ông Quách Văn Thọ; bà Nguyễn Thị Thành và bà Nguyễn Thị Loan – PV). Bốn hộ dân bị sạt lở nặng địa phương đã có báo cáo danh sách gửi UBND huyện Nam Đàn để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Thời điểm xảy ra mưa lớn, chúng tôi bố trí ngôi nhà của khối trưởng di dời người dân đến nơi an toàn. Nếu xảy ra tình huống xấu thì huy động lực lượng vận chuyển đồ ra khỏi ngôi nhà. Địa phương cũng mong các cấp các ngành ủng hộ, sớm có phương án giải quyết lâu dài tình trạng này, nhằm đảm bảo đời sống cho người dân”.

Phần đường đi cũng phải đặt tấm gỗ để qua lại
Phần đường đi cũng phải đặt tấm gỗ để qua lại

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Nam Đàn, để người dân sinh sống đảm bảo an toàn, về lâu ài thì có hai phương án một là tái định cư đến nơi ở mới, nhưng phương án này đòi hỏi kinh phí lớn nên phải chờ cấp trên giải quyết. Phương án thứ hai là nếu như chưa thể di dời thì cần phải có phương án làm bờ kè sông Đào, chống sạt lở bờ sông, đây là phương án đỡ tốn kém hơn nhưng để triển khai thực hiện cũng đang ở chế độ... chờ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân sạt lở đất là do đợt mưa vừa qua khá lớn, song một phần là do việc nạo vét sông Đào đã tạo cho mép bờ sông dốc đứng, dễ gây sạt lở. Về lâu dài, nếu không có biện pháp di dời các hộ dân hoặc làm kè chống sạt lở thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về người và tài sản mỗi khi mùa mưa đến.

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Đàn (Nghệ An): Người dân thấp thỏm bên miệng sông Đào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO