Nam Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng cao
(TN&MT) - Trong tháng 3, nắng nóng trên diện rộng ở Nam Bộ, đặc biệt là Đông Nam Bộ đã khiến sản lượng điện tiêu thụ của các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục tăng cao. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng ở khu vực này có thể kéo dài từ nay đến nửa đầu tháng 5.
Các tỉnh Đông Nam Bộ vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ ngày 8-20/3, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 -38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Riêng trong 2 tuần đầu của tháng 3, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sản lượng điện tại TP. Hồ Chí Minh lên tới 82 triệu kWh/ngày, tăng vượt sản lượng bình quân năm ngoái là 74,5 triệu kWh/ngày và dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Tại 21 tỉnh phía Nam, số liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, ước sản lượng điện trên toàn hệ thống là hơn 19 tỷ kWh, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng bình quân ngày đạt hơn 246 triệu kWh/ngày (ngày cao nhất đạt hơn 289 triệu kWh), tăng 5,2% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, số lượng khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/tháng tăng hơn 15,6%.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, tại các tỉnh, thành phía Nam có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024. Cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5.
Thời gian tới, nắng nóng được dự báo xuất hiện nhiều hơn và nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39 - 40 độ C. Việc sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ, quạt sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao.
Trước tình hình này, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh kêu gọi khách hàng tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất cần chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện (từ 11h30 - 14h30 và từ 20h00 - 22h00 hàng ngày); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.