Năm 2022, Việt Nam có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền

Thanh Tùng| 16/06/2022 16:23

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó khả năng có từ 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) vừa tổ chức cuộc họp thông tin về xu thế khí tượng thủy văn từ tháng 7 đến tháng 12/2022. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường chủ trì cuộc họp.

1(2).jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Bão có thể dồn dập trong các tháng cuối năm

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện tại, chuẩn sai nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực NINO 3.4) là -0,9°C trong tuần đầu tháng 6/2022, giảm hơn so với tuần đầu tháng 5/2022 là 0,3°C và vẫn duy trì trạng thái La Nina. Dự báo ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.

Về bão, áp thấp nhiệt đới, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng có từ 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN một năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7-9/2022), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 7-9/2022, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc

Nhận định về tình hình nhiệt độ, nắng nóng và không khí lạnh, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, đối với khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ trung bình tháng 7/2022 ở mức xấp xỉ TBNN, tháng 8-9/2022 ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ; từ tháng 10-12/2022 phổ biến ở mức thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ. Trong tháng 7/2022 có khả năng tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 37 độ với xác suất 70-80%.

img_6330.jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Phúc Lâm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Khu vực Trung Bộ, nhiệt độ trung bình tháng 7/2022 ở mức xấp xỉ TBNN, tháng 8-9/2022 ở mức cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ; từ tháng 10-12/2022 phổ biến ở mức thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ. Trong tháng 7 và tháng 8/2022 có khả năng tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 37 độ với xác suất 75-85%.

Với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, từ tháng 7-9/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ, tháng 10-12/2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ TBNN.

“Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong tháng 10 và tháng 11/2022 và nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ”, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Lượng mưa ở Trung Bộ cao hơn TBNN

Nhận định về lượng mưa trong năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, ở khắp các khu vực trên cả nước, lượng mưa trong các tháng 8-10 đều cao hơn TBNN. Cụ thể, đối với khu vực Bắc Bộ, trong tháng 7/2022 tổng lượng mưa (TLM) tại Bắc Bộ phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 10-20% với xác suất khoảng 60-70%.

Trong tháng 8-9/2022, TLM tại Bắc Bộ cao hơn TBNN từ 5-10% với xác suất khoảng 60%. Tiếp đó, tháng 10, TLM ở Bắc Bộ ở mức cao hơn TBNN từ 10-25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Tây Bắc có lượng mưa thấp hơn so với TBNN từ 5-15% với xác suất 65%.

Các tháng 11-12/2022, TLM tại Bắc Bộ ở mức thấp hơn so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%.

Đối với khu vực Trung Bộ, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, trong tháng 7/2022, TLM phổ biến thấp hơn TBNN từ 5-15% với xác suất khoảng 60%; tháng 8-9/2022, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Thanh Hóa-Quảng Bình thấp hơn từ 10-25% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 60%.

Tháng 10/2022, TLM ở Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với TBNN, riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70% với xác suất khoảng 70-90%.

Tháng 11/2022, tại Bắc Trung Bộ TLM phổ biến thấp hơn 10-25% với xác suất khoảng 60%, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, TLM phổ biến cao hơn từ 15-35%, có nơi trên 40% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 70-90%.

2(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Tháng 12/2022, TLM Trung Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 10-30%, riêng Bắc Trung Bộ thấp hơn TBNN từ 10-20% với xác suất khoảng 60-80%.

Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong tháng 7-8/2022, TLM phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%; tháng 9 TLM xấp xỉ TBNN với xác suất khoảng 60%.

Tháng 10-11/2022, TLM tại Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn từ 30-60%, trong đó tháng 10 có nơi cao hơn trên 70%, tại Nam Bộ TLM cao hơn từ 10-20% so với TBNN với xác suất khoảng 60-70%.

Tháng 12/2022, TLM phổ biến cao hơn khoảng 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ với xác suất khoảng 60-70%.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm đã trả lời các câu hỏi phóng viên quan tâm liên quan đến việc phối hợp giữa cơ quan KTTV và Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ, quy trình vận hành liên hồ chứa; cảnh báo mưa lớn liên tục tại khu vực miền Trung trong năm 2022; giải pháp cảnh báo mưa lớn dồn dập gây ngập lụt đô thị; dự báo phục vụ nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, Việt Nam có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO