Kể từ những năm 1980, mỗi thập kỷ đều ấm hơn so với thập kỷ trước. Ảnh: WMO |
WMO đã sử dụng 6 bộ dữ liệu quốc tế từ các tổ chức khác nhau để đảm bảo đánh giá nhiệt độ một cách toàn diện và đáng tin cậy nhất. Tổ chức này nhấn mạnh, mặc dù nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời giảm bởi hiện tượng thời tiết La Nina trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, nhưng năm 2021 vẫn là 1 trong 7 năm nóng nhất trong lịch sử.
Các bộ dữ liệu có sự khác biệt nhỏ trong đánh giá về vị trí xếp hạng của năm 2021 trong 7 năm nóng nhất. Cụ thể, C3S xếp năm 2021 ở vị trí thứ 5, NOAA xếp năm 2021 ở vị trí thứ 6, trong khi các tổ chức khác đánh giá năm 2021 đứng thứ 7 trong 7 năm qua. WMO cho rằng, sự khác biệt nhỏ giữa các bộ dữ liệu này thể hiện biên độ sai số khi tính toán nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Theo WMO, lượng khí nhà kính trong khí quyển vẫn ở mức cao kỷ lục sẽ khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu và các xu hướng biến đổi khí hậu dài hạn khác tiếp diễn. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C (với sai số khoảng 0,13 độ C) so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận Paris kêu gọi tất cả các nước nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C, bằng cách tăng cường phối hợp hành động khí hậu và các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Cơ quan thời tiết của Liên Hợp Quốc cho biết, kể từ những năm 1980, mỗi thập kỷ đều ấm hơn so với thập kỷ trước và tình hình này dự kiến sẽ còn tiếp tục. Bảy năm nóng nhất đều nằm trong giai đoạn 2015-2021, trong đó các năm 2016, 2019 và 20203 xếp vị trí hàng đầu.
Giáo sư Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới khẳng định, hiện tượng La Nina xảy ra liên tiếp khiến cho sự nóng lên trong năm 2021 ít rõ rệt hơn so với những năm gần đây, nhưng năm 2021 vẫn ấm hơn những năm trước. Theo ông, sự nóng lên tổng thể trong thời gian dài do sự gia tăng khí nhà kính hiện lớn hơn nhiều so với sự thay đổi nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm do các tác nhân khí hậu tự nhiên gây ra.
Mặc dù năm 2021 là năm mát nhất trong số 7 năm nóng nhất lịch sử, nhưng nó vẫn được đánh dấu bởi một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến sự ấm lên toàn cầu.
Ông Taalas chỉ rõ: “Biến đổi khí hậu và các hiểm họa liên quan đến thời tiết đã gây ra những tác động làm thay đổi cuộc sống và tàn phá nhiều cộng đồng trên mọi lục địa. Năm 2021 được đánh dấu với nhiệt độ kỷ lục gần 50 độ C ở Canada, tương đương với mức nhiệt cao được ghi nhận ở sa mạc Sahara; các trận mưa bão và lũ lụt chết người từ châu Á tới châu Âu; các đợt hạn hán nghiêm trọng tại các khu vực ở châu Phi và Nam Mỹ”.
Các chỉ số chính khác về sự nóng lên toàn cầu bao gồm nồng độ khí nhà kính, hàm lượng nhiệt của đại dương (OHC), mức độ pH của đại dương (mức độ axit), mực nước biển trung bình toàn cầu, khối lượng băng và quy mô băng biển.
Theo WMO, các số liệu về nhiệt độ sẽ được đưa vào báo cáo cuối cùng về Tình trạng Khí hậu năm 2021, sẽ được phát hành vào tháng 4/2022.