(TN&MT) - Đó là cảnh báo của các nhà khoa học. Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng cho biết, nửa đầu năm nay là năm nóng nhất hơn bao giờ hết và Trái đất trải cũng trải qua tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử thế giới.
Jessica Blunden, nhà khoa học khí hậu của NOAA nhận định tháng Sáu là tháng thứ tư của năm 2015 phá vỡ kỷ lục nóng nhất.
NOAA ước tính, nhiệt độ trung bình trên thế giới trong tháng Sáu đạt 16,33 độ C, phá vỡ kỷ lục cũ được công bố vào năm ngoái với 0.12 độ C.
Những hình ảnh thậm chí còn ấn tượng hơn khi các số liệu thống kê trong nửa năm 2015 được xem xét.
Người cha cùng đàn con đi qua một ngư trường khô cằn gần Manila. Ảnh: Romeo Ranoco / Reuters |
Nhiệt độ trung bình trong sáu tháng đầu năm 2015 là 14,35 độ C, đánh bại kỷ lục cũ thiết lập vào năm 2010 với khoảng 1/6 của một độ.
Năm 2010 từng được xem là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử khi Trái đất nóng lên kết hợp cùng với việc đại dương cũng ấm dần lên do hiện tượng thời tiết El Nino. Năm nay, theo dự báo thời tiết thì hiện tượng El Nino sẽ mạnh mẽ hơn.
Theo NOAA, trong tháng qua, hầu hết các vùng đất trên Trái đất đều ấm hơn bình thường. Những nơi có nhiệt độ cao kỷ lục là Tây Ban Nha, Áo, các nơi thuộc châu Á, châu Úc và Nam Mỹ. Miền nam Pakistan cũng đã hứng chịu đợt nắng nóng hồi tháng Sáu vừa qua, làm hơn 1.200 người thiệt mạng. Ngoài ra, hồi tháng 5/2015, một đợt nắng nóng ở Ấn Độ cũng đã khiến hơn 2.000 người chết và được xếp hạng là đợt nắng nóng “đẫm máu thứ năm”.
Vẫn theo NOAA, tháng Ba và tháng Năm là hai tháng nóng nhất trong vòng 136 năm. Trái đất đã phá vỡ kỷ lục nóng nhất theo tháng 25 lần kể từ năm 2000, nhưng đã không vượt kỷ lục lạnh hàng tháng kể từ năm 1916.
Mai Đan
Theo Guardian