Thời gian qua, huyện Mường Nhé cũng đang khai thác triệt để thế mạnh về tiềm năng du lịch. Huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS, phục dựng Tết cổ truyền, lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống; triển khai Đề án du lịch cộng đồng tại bản Tả Khừ, xã Sín Thầu... Đẩy mạnh các điểm du lịch sinh thái như: Khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, thác Păm Pơi, Y Ma Hồ; chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước...
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư huyện ủy huyện Mường Nhé, từng trả lời báo giới: Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của huyện như: Khu rừng bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Chung Chải; Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; cột mốc biên giới số 0 tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào, chợ phiên tại lối mở A Pa Chải... Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, hệ tài nguyên du lịch đa dạng, và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, huyện Mường Nhé có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Đây cũng là hướng đi để huyện có thể phát triển trong tương lai.
Một trong những điểm hẹn du lịch ở Mường Nhé chính là Cột mốc số 0 - A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoang La Sang, cách trung tâm huyện Mường Nhé gần 70km. A Pa Chải là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào và Trung Quốc, thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên. Đây được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả 3 nước đều nghe” với diện tích rộng hơn 45,5 nghìn ha, trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; ranh giới tiếp giáp với đường biên giới 02 quốc gia là Lào và Trung Quốc, có tuyến đường nối lối mở A Pa Chải với trung tâm huyện Mường Nhé chạy qua.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn Thiên nhiên Mường Nhé được xếp vào trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước và là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái. Hệ sinh thái rừng ở đây nằm trong thảm thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới với 742 loài thực vật, 257 loài chim, 130 loài thú và bò sát, trong đó, các loại cây như: Pơ mu, dổi, trầm hương, lát hoa... và 67 loài động vật với nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu rừng mang vẻ đẹp khác lạ và các địa danh tại đây như Mốc ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại bản A Pa Chải, chợ biên giới A Pa Chải... thường xuyên có khách du lịch ghé đến tham quan.
Cùng với đó, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ và phát huy, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống được khôi phục, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động du lịch cộng đồng ở huyện Mường Nhé vẫn còn nhiều thách thức như: Cơ sở hạ tầng, đường giao thông đi lại còn khó khăn… Đời sống kinh tế của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, điều kiện về xã hội, trình độ dân trí chưa cao dẫn tới hạn chế về nhận thức và năng lực kinh doanh du lịch. Các điểm du lịch phân tán, cách xa nhau dẫn tới khó khăn trong việc đầu tư khai thác cũng như liên kết để hình thành tuyến du lịch trên địa bàn.
Thời gian tới, để phát triển du lịch cộng đồng, huyện Mường Nhé nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch; có kế hoạch đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích người dân tự giác bảo vệ cảnh quan, tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện biên giới Mường Nhé.