Mường Nhé - Điện Biên: Đề án 79 chậm tiến độ, do đâu?

25/01/2017 00:00

(TN&MT)- Thực hiện Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé theo Quyết định số 79/QĐ-TTg, ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 79), huyện Mường Nhé phải di chuyển, sắp sếp ổn định nơi ở cho gần 1.100 hộ dân với 6.600 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến nay, việc di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới mới chỉ đạt khoảng 70%.

Người dân xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, còn nhiều lo lắng khi về nơi ở mới.
Người dân xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, còn nhiều lo lắng khi về nơi ở mới.

Thực hiện Đề án 79, Mường Nhé có 31 điểm bản được phê duyệt để sắp xếp, ổn định cho 1.079 hộ với trên 6.600 nhân khẩu trên địa bàn. giảm số hộ nghèo từ 77% năm 2011, xuống còn 52% khi kết thúc Đề án. Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã thực hiện di chuyển 694 hộ đến các điểm bản được bố trí; giải ngân trên 632,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ di chuyển dân rất chậm so với mục tiêu đề ra. Tiến độ thực hiện xây dựng các công trình cơ sở thiết yếu chậm, công tác thẩm định và phê duyệt các hồ sơ xây dựng kéo dài. 

Nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chậm tiến độ được chính quyền huyện Mường Nhé cho biết là do người dân sở tại không nhường đất, tình trạng dân di cư khó kiểm soát; việc thực hiện Đề án chia nhiều chủ đầu tư, trong khi đó một số chủ đầu tư không bám sát địa bàn, việc quy hoạch, triển khai xây dựng hạ tầng các khu, điểm bản định cư mới thường xa trung tâm huyện lỵ; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án chưa thực sự hiệu quả còn hiện tại thời điểm này còn một bộ phận không nhỏ người dân nghi ngờ hiệu quả bền vững mà Đề án đặt ra.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Công tác tuyên truyền người dân đến nơi ở mới gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân di cư vẫn còn nhiều hạn chế, lúc thì đồng ý, lúc lại không. Mặt khác, người dân sở tại thắc mắc tại sao họ không được bố trí đến nơi ở mới, không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như những người di cư từ nơi khác đến... dẫn đến công tác tuyên truyền vận động dân sở tại nhường đất để bố trí đất sản xuất cho người dân di cư là vô cùng khó khăn.

Cùng với đó, nhận thức của đa số hộ dân di cư còn nhiều hạn chế. Họ không muốn tới các điểm bản mới, vì cho rằng, các vùng đất này không màu mỡ bằng đất rừng tự tay họ chặt phá, nên họ trì hoãn di chuyển đến đểm bản mới bằng cách đưa ra các yêu cầu rất khó đáp ứng.

Theo chủ trương, mỗi hộ dân di chuyển đến điểm bản mới theo Đề án 79 sẽ được cấp 2ha đất nương để canh tác, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, công tác thu hồi đất, giao đất, bố trí đất sản xuất vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Một số điểm mới thực hiện xong phần kiểm đếm, chưa phê duyệt phương án bồi thường nên chưa giao được đất sản xuất cho dân. Tiến độ triển khai các phương án hỗ trợ sản xuất còn chậm, đến nay còn 22 điểm chưa phê duyệt được phương án hỗ trợ sản xuất nên chưa quyết toán được phần vốn đã hỗ trợ.

Thiếu đất sản xuất, dân di cư “cạo trọc” rừng làm nương rẫy.
Thiếu đất sản xuất, dân di cư “cạo trọc” rừng làm nương rẫy.

Ông Thanh cho biết: Hiện tại, đối với 13 điểm bố trí sắp xếp, ổn định dân cư do UBND huyện Mường Nhé, làm chủ đầu tư đã hoàn thành trên 90%. Tại những điểm này cơ bản đã được UBND huyện Mường Nhé hoàn thành việc giao đất sản xuất, với bình quân 1,5ha/hộ.

Đấy chỉ là 13 điểm do huyện Mường nhé làm chủ đầu tư, còn tại các điểm khác  thì công tác giao đất sản xuất cho người dân đã thực hiện đến đâu? Câu trả lời chính là “chậm tiến độ đề ra”. Chính việc chậm giao đất sản xuất cho người dân, cùng với việc đất được giao chủ yếu là đất nương rẫy, khó canh tác, dễ bị hoang hóa, bào mòn, dẫn đến việc người dân tự ý  phá rừng để lấy đất sản xuất.

Thực tế, từ năm 2015 đến tháng 6/2016, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát hiện 313 vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị phá là 296,3ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Ông Vi Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: Tháng 3/2016, khoảng 20ha rừng tại khe suối Huổi Sủng, xã Mường Nhé  đã bị phá hoại. Nguyên nhân được xác định là do những người dân di cư thuộc bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé chặt phá để lấy đất sản xuất. Điều đáng nói, bản Mường Nhé 2 chính là điểm bản được thành lập theo Đề án 79.

Việc đẩy mạnh giao đất sản xuất cho người dân là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 79. Tuy nhiên, quan trọng là làm thế nào để đất được giao thực sự đem lại hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân chứ không mang tính chất thời vụ, trước mắt chính là bài toán dành cho các cấp, ngành quản lý tỉnh Điện Biên. Cần sớm tìm ra lời giải để người dân thực sự tin tưởng vào sự đầu tư của Nhà nước, yên tâm về nơi định canh định cư mới, ổn định sản xuất, từng bước phát triển kinh tế xã hội.

Bài và ảnh: Hà Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Nhé - Điện Biên: Đề án 79 chậm tiến độ, do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO