Muối đắng!

Đức Duy| 11/06/2020 11:47

(TN&MT) - Thời kỳ hoàng kim, hàng trăm ha đất làm muối của HTX Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) luôn phủ kín bóng dáng của diêm dân.

Những câu khẩu hiệu: “Tranh mưa, cướp nắng, quyết thắng thiên nhiên”, hay những hôm trời đang nắng chang chang bỗng dưng có dông thì cả làng Trương Xá - Tam Hòa chạy dầm dập ra cứu muối, vì nếu không ra kịp coi như ngày hôm đó mất trắng. Nhưng nay, giá muối bấp bênh cộng với việc lớp trẻ không còn mặn mà với nghề, trên những cánh đồng muối giờ đây chỉ còn người già “bám trụ” làm ra hạt muối tinh khiết dâng cho đời.

Sau một ngày nhọc nhằn những hạt muối mặn chát do họ làm ra. (ảnh: Baothanhtra.vn)

Gần 11h trưa, dưới cái nắng “cháy da cháy thịt” hòa cùng những cơn gió Lào nóng rát của xứ Thanh, chúng tôi về cánh đồng muối Trương Xá thuộc HTX Tam Hòa, xã Hòa Lộc. Đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy lưa thưa một vài bóng người già đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra những hạt muối mặn chát, trắng tinh.

Hỏi chuyện một người đàn ông ngoài 60 tuổi, ông nổi bật với làn da đen sạm, đang oằn mình dùng đôi bàn tay gân guốc múc những gầu nước mặn tưới vào sân phơi một cách thuần thục. Tên ông là Đỗ Văn Kha, sống ở thôn Tam Hòa, thấy chúng tôi tiến lại gần, ông vội vàng nói: Trời nắng như “đổ lửa” các anh ra đây làm gì, giờ ở đây chỉ còn người già làm muối thôi.

Diêm dân lấy nước vào ô đồng

Sau màn chào hỏi, ông vội vàng buông gầu nước rồi dẫn chúng tôi vào ngồi trong bóng mát hiếm hoi giữa cánh đồng muối rộng lớn, phe phẩy chiếc mũ cối đã phai màu, ông Kha tâm sự: Lớp trẻ giờ mấy ai theo nghề, nhà tôi có 4 sào làm muối, tuổi cũng già rồi nhưng vẫn cố làm để có đồng ra, đồng vào, mà nếu không làm thì đồng bỏ không lại lãng phí. Hôm nào cũng vậy, hễ trời không mưa là phải gắng dậy thật sớm để ra đồng, vệ sinh ô đồng, chang cát, lấy cát, rồi dẫn nước vào bể lọc ( Diêm dân gọi là chạc), xong xuôi công việc đó chúng tôi mới về nhà ăn sáng và cầu mong cho một ngày nắng to, không mưa gió, buổi trưa chúng tôi lại tranh thủ ra thăm chất lượng hạt muối, đến khoảng 4-5 giờ chiều mới thu hoạch được muối. Nghề làm muối trời nắng phải ra đồng đi làm, nếu trời dâm hoặc mưa mới được nghỉ ngơi, nghề này là thế đấy Nhà báo ạ.

 

Nghe xong, chúng tôi như vỡ ra nhiều chuyện, việc những người diêm dân phải ra đồng sớm để đổ nước mặn đã được lọc sẵn từ hôm trước lên sân phơi nhằm kịp nắng, nếu không làm vậy, muối sẽ không “no nắng” và phải đợi đến ngày mai mới thu hoạch được. Để có những mẻ muối khô ráo, trắng tinh và đạt chất lượng đòi hỏi diêm dân phải có kinh nghiệm. Theo họ, nếu đổ nước mặn quá nhiều, sân phơi sẽ ngập nước dẫn đến muối không kịp khô, còn nếu như độ năm thấp thì chất lượng và sản lượng lại không đạt. Nghề làm muối vất vả lắm, cứ ráo mồ hôi là hết tiền.

Còn nhớ, thời hoàng kim của nghề muối làng Trương Xá, khi đó cả làng làm muối, cả nhà làm muối, người người làm muối. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần cắp sách đến trường, nhìn lên khu hội trường (hay còn gọi là Đình Tám mái) của HTX muối Tam Hòa có dòng chữ “Tranh mưa, cướp nắng, quyết thắng thiên nhiên”. Hay những khi trời đang nắng chang chang bỗng có mây dông kéo đến thì cả làng từ già đến trẻ chạy rầm rầm, người thì đẩy xe cút kít, người thì vác xẻng… làm cả đoạn đường cái thôn tôi bụi mù, trông như đoàn quân trận mạc chạy nhanh ra khu đồng trong để “cứu muối”

 

“Nghề làm muối chỉ làm trong 5 tháng mùa nắng. Với giá muối giao động từ 1.600 – 1.800 đồng/kg, nếu làm cật lực, vắt sức cũng chỉ có thu nhập xấp xỉ 100.000 đồng/ngày. Giá muối đã bấp bênh cộng với thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Chính vì cơ cực nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề muối chuyển sang làm thợ hồ hay xin việc vào các công ty để có thu nhập ổn định”. Bà Nguyễn Thị Thành, ở thôn Tam Hòa tâm sự.

Ông Đào Nguyên Hồng, Giám đốc HTX muối Tam Hòa cho biết: Năm 2019, tổng diện tích sản xuất muối toàn xã Hòa Lộc là 74,4 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn/năm, thu nhập bình quân năm đạt 159,3 triệu/ha. Hiện nay, có 142/425 hộ thường xuyên sản xuất, chỉ đạt 33,4% số hộ có đất giao sản xuất muối.

Một ngày làm việc nhọc nhằn của Diêm dân

Nhưng hiện tại, khu đồng muối Trương Xá - Tam Hòa đang có nguy cơ mai một, bị xóa sổ vì việc Nhà nước quy hoạch xây dựng cảng cá, nên việc lấy nước mặn vào đồng của diêm dân rất khó khăn, với lại một phần diện tích của Khu đồng ngoài đã quy hoạch làm Khu dân cư, khu chợ. Một số diện tích làm muối kém hiệu quả đã chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản theo định hướng và chủ trương phát triển nông nghiệp huyện Hậu Lộc.

Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc các diêm dân í ới nhau ra đồng cạo muối trên các sân phơi, ô chạc, sau một ngày nước mặn đã bốc hơi, giờ chỉ còn những hạt muối tinh khiết, trắng xóa. Nhọc nhằn là vậy, nhưng nghề làm muối lại không dành cho thanh niên “sức dài vai rộng”, trên những cánh đồng muối trải dài “thẳng cánh cò bay” giờ chỉ thấp thoáng người già. Và phải chăng, hình ảnh chiếc xe cút kít chở những hạt muối như tượng trưng cho cuộc đời cơ cực, mặn chát của họ và không biết mai đây nghề muối “vang bóng” một thời sẽ đi đâu, về đâu?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muối đắng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO