Mừng thọ đầu Xuân - nét đẹp truyền thống Việt

09/02/2016 00:00

Trở thành lệ truyền thống mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đều trang trọng tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Nét đẹp văn hóa Việt được lưu giữ tới ngày nay với ý nghĩa sâu sắc thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng của con cháu đối với ông, bà.

Ngay đến những cụ già tóc trắng bạc phơ cũng không biết phong tục mừng thọ đầu Xuân có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Quan niệm của dân gian có lưu lại, những người được chúc thọ là những cụ cao tuổi, đó là những người được có phúc có đức, được trời ban lộc, có con, có cháu đề huề. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão. Vào những năm chẵn của tuổi ông bà, con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức lễ mừng thọ với mong đợi mừng ông, chúc bà sống lâu, sống khỏe.

bh
 

Theo tục lệ xưa của người Việt, trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, màu đỏ hoặc màu vàng tùy tuổi thọ, thường là khăn đóng áo dài, chân đi hài. Các cụ cao niên ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà để con cháu lần lượt dâng rượu kính lễ cha mẹ, ông bà. Tiếp đó, gia đình sẽ long trọng tổ chức tiệc mừng thọ cho các cụ.

Tùy vào truyền thống mà mỗi gia đình tổ chức tiệc mừng thọ lớn hay nhỏ khác nhau. Với mong muốn đem lại nhiều niềm vui để ông bà tiếp tục phấn khởi, vui vẻ sống cùng con cháu lâu hơn nên vào ngày này hầu hết các gia đình đều tổ chức tiệc rất linh đình.

Tại tiệc mừng thọ, các con cháu cũng thể hiện một phần tấm lòng hiếu thảo bằng những món quà ý nghĩa như bức tranh, bức trướng hoặc đôi câu đối đỏ… Tựu chung lại, những món quà gửi gắm tấm lòng, sự kính trọng của người con, người cháu đối với những thế hệ đi trước.

Với truyền thống tốt đẹp trên, ngày nay, việc mừng thọ không chỉ diễn ra trong riêng lẻ từng gia đình mà đã được chính quyền địa phương quan tâm cũng như tạo điều kiện cho mọi người gặp gỡ. Những cụ có năm chẵn tuổi từ 70 tuổi trở lên sẽ được tổ chức mừng thọ tại UBND xã, nhà văn hóa hoặc đình làng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương sao cho vẫn đầy đủ thủ tục mà không khí vẫn đầm ấm, mang đến niềm vui cho tất cả mọi người.

Lễ chúc thọ thường diễn ra vào khoảng mùng 4, mùng 5 tháng Giêng hàng năm khi không khí Xuân vẫn rộn ràng, con cháu sum vầy. Hòa cùng bầu không khí tươi vui, nhộn nhịp ùa về khắp các ngóc ngách của làng xã, các con cháu dậy từ sớm chuẩn bị trang phục cho các bậc cao niên đến nơi tổ chức.

Sau đó, đại diện chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể sẽ thay mặt toàn thể nhân dân trong vùng trịnh trọng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các bậc cao niên. Những tiết mục văn nghệ với những ca từ tốt đẹp vang vọng cả một vùng thay lời chúc đến các ông, các bà.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt - Mừng thọ đầu xuân là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi, là tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ đối với những người đi trước với biết bao công lao, đóng góp, sự hi sinh để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho thể hệ mai sau, đồng thời là nguồn động lực lớn để các cụ sống vui, khỏe, có ích.

Một lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng, ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho không chỉ các cụ mà còn cho cả gia đình. Đây là dịp để con cháu kính trọng, giữ lễ nghĩa với ông bà, qua đó cảm thấy tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của gia đình, dòng họ và của dân tộc Việt Nam

Theo Báo Thanh tra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mừng thọ đầu Xuân - nét đẹp truyền thống Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO