Mũi Kê Gà, biểu tượng lịch sử của đất và người Bình Thuận

Lê Khanh| 02/11/2020 15:19

(TN&MT) - Ngắm Mũi Kê gà từ đỉnh đồi cát mịn, cảm giác trong tim chúng tôi là sự hùng vĩ của những dãy núi nối tiếp nhau ôm sát mặt biển. Trải dài phía trước là biển cả bao la, phía sau là những đồi cát trắn mịn màng quanh năm nắng hắt. Mũi Kê gà sừng sững- biểu tượng lịch sử và văn hóa của đất và người huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Sau chặng đường 120 km, chúng tôi đến Mũi Kê Gà lúc hoàng hôn bắt đầu buông. Từ xa Mũi Kê Gà như một đảo nhỏ nhô ra biển xanh với những khối đá khổng lồ. Sừng sững trên những phiến đá tự nhiên ôm khít vào nhau ấy, là ngọn hải đăng Kê Gà- ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam tính đến thời điểm này do Pháp xây dựng năm 1897 và khánh thành năm 1899. Đây chính là nét đặc biệt lịch sử văn hóa, đồng thời là điểm “hút” khách thập phương. 

Ngọn hải đăng sừng sững trên đảo Mũi Kê Gà

Ông Trương Hoàng Nam- người hướng dẫn viên ở Mũi Kê Gà cho hay, Mũi Kê gà có tính lịch sử lâu đời truyền lại. Ngoài là điểm dừng chân của khách thập phương, Mũi Kê Gà còn mang truyền thuyết tâm linh.

Mũi Kê Gà nhìn giống như đầu con gà nhô ra biển

Theo ông Nam, tên gọi Mũi Kê Gà xuất phát từ một ngọn núi bên trong đất liền tên là Cẩm Kê. Tại đây có nhiều bầy gà rừng, lông màu sặc sỡ, sinh sống bên các khe suối nước ngọt chảy ra biển. Cứ khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, mặt nước biển từ bờ chảy ra đảo dài nửa cây số. Lúc nước ròng, người dân có thể đi bộ trên mặt cát. Khi người đi biển ghé nơi đây để lấy nước ngọt, thường bắt gặp những bầy gà rừng (dã kê) đến uống nước, đùa giỡn, vì vậy, người ta gọi đó là “Kê khê”.

Biển Kê Gà xanh biếc phủ những gềnh đá

Đến năm 1899, người Pháp đến thiết lập thị xã Phan Thiết, đi tìm một nơi để xây dựng ngọn hải đăng phát tín hiệu hướng dẫn tàu thuyền đi biển, đã chọn bãi đá nhô ra biển này làm nơi đặt hải đăng. Lúc đó người Pháp gọi  là “Ke Ga”, đọc “lái âm” thành ra Kê Gà. “Đảo Kê Gà nay thuộc thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Đây là một vùng vịnh nên thơ, sóng lặng”, ông Nam cho biết.

Mũi Kê Gà nhìn từ quần thể đá, ghềnh

Theo người hướng dẫn viên, chúng tôi men theo sườn đá đến chân ngọn Hải Đăng Kê Gà. Tất cả kiến trúc từ cửa ra vào đến họa tiết đều trổ theo lối người Pháp. Độ cao ngọn hải đăng là 41,5 mét, xây hình bát giác toàn bằng đá. Từ tâm đèn hải đăng kéo xuống mực nước biển là 65 mét, kích thước mỗi cạnh của chân tháp là 2,6 mét.Trên ngọn tháp có bóng đèn công suất lớn làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.

Ngư chài thôn Kê Gà mưu sinh trên biển

Điều đặc biệt ấn tượng là toàn bộ công trình gồm toàn những phiến đá được đẽo gọt công phu và kết dính với nhau bằng một loại vữa đặc biệt, hơn trăm năm không có một vết rạn, như một mũi tên kiêu hãnh vươn lên trời xanh.

Ông Hoàng Nam  tiết lộ một bí ẩn “Cho đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa rõ đá hoa cương được sử dụng để xây ngọn hải đăng Kê Gà được người Pháp đưa từ đâu đến, vì trong khu vực này không hề có đá cùng loại. Và người ta cũng không rõ công trường chính mà các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng Pháp sử dụng trong quá trình thi công ngọn hải đăng này được đặt ở đâu, bởi tất cả những khối đá hoa đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình cụ thể, trước khi được khớp với nhau tại chính công trình xây dựng ngọn hải đăng”.

Một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng ngay sát Mũi Kê Gà

Để lên được đỉnh ngọn hải đăng Kê Gà, ông Nam dẫn tôi “trèo” 183 bậc thang cuốn theo hình trôn ốc. Ông Nam bảo, những bậc thang xoáy trôn ốc liên tục và không có chiếu nghỉ ở lưng chừng làm nhiều du khách phải hụt hơi khi leo lên đây.

Trước biển chập tối

Không ít người phải bỏ cuộc, nhưng nếu đã kiên trì leo lên cao, khi những ô cửa kính bắt đầu xuất hiện, thì cũng là lúc những nỗ lực của họ được đền đáp. Bởi qua những ô cửa kính nhỏ ấy, sẽ nhìn thấy biển xanh thăm thẳm, những đường uốn lượn xa xa, với một vài con thuyền bình yên, thấp thoáng ngoài khung cửa, trông thơ mộng như bức tranh phong cảnh hữu tình.

Mùa thăng long ở thôn Gà Kê bắt đầu ra trái

Quả thật, khi đã leo lên đến đỉnh của ngọn hải đăng, bước chân ra lan can đài quan sát, tôi cảm thấy bị choáng ngợp trước khung cảnh bát ngát bên ngoài. Đứng trên đài cao, nghe gió lồng lộng thổi giữa bao la đất trời, thấy lòng mình trào lên một tình yêu quê hương, đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mũi Kê Gà, biểu tượng lịch sử của đất và người Bình Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO