Mùa vàng của đồng bào Rục dưới chân núi Trường Sơn

Lan Anh| 07/05/2020 14:28

(TN&MT) - Gần 60 năm qua kể từ ngày bước ra từ hang đá, đồng bào Rục, Sách, Mày, A Rem… ở các bản Mò o Ồ Ồ, Yên Hợp, Phù Minh, Ón (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã chấm dứt cuộc sống hoang dã tự cung tự cấp khi chính bàn tay của họ biết ủ cây mạ, trồng cây lúa. Đó là thành quả của mồ hôi, sự cần mẫn, chăm chút của những người lính mặc quân hàm xanh và đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Những ngày đầu tháng 5,  trên khắp các cánh đồng lúa nước chín vàng rộm ở bản Rục - nơi được mệnh danh là “đỉnh trời” của dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Bình vui như vào hội. Người già dùng liềm gặt, cánh trẻ thì vác lúa lên bờ, có nhóm dùng võng khiêng lúa để được nhiều hơn. Trên bờ, các chiến sĩ Biên phòng kéo máy tuốt lúa cho người dân đóng luôn vào từng bao, chở bằng xe máy về nhà. Niềm vui vỡ oà trong ánh mắt mỗi người.

Bản Rục vào mùa thu hoạch lúa

Trước đây, bà con dân tộc thiểu số ở vùng Rục gồm các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ có cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng và sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nhưng với sự giúp đỡ của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng, người dân đã biết trồng lúa nước, góp phần chủ động nguồn lương thực và phát triển kinh tế.

Đến hôm nay, gần 10 ha đất rừng hoang hóa đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa vàng bông, trĩu hạt, cho năng suất trung bình 4 tấn/ha, mang ấm no đến cho bản làng người Rục.

Đại úy Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Đóng quân trên địa bàn, nhận thấy đời sống đồng bào còn khó khăn nên chúng tôi quyết tâm tìm cách giúp đồng bào thay đổi. "Lúa nước Rục Làn" là một trong những mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức của đồng bào rõ nét nhất.

10 năm với những gian nan, vất vả, tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, đặc biệt là hiểu biết của đồng bào về lúa nước còn lạ lẫm, bộ đội đã phải đi từng nhà kêu gọi, động viên, thậm chí cho quà mới chịu đi làm. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, bà con đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi công sức mình bỏ ra, chứ không đem đi đổi rượu như mỗi lần nhận gạo trợ cấp của Chính phủ.

Chúng tôi đã và đang tiếp tục nghiên cứu thêm các mô hình khác nữa để góp phần thay đổi cuộc sống, đồng hành cùng sự tiến bộ của bà con nơi đây”.

Một số hình ảnh thu hoạch lúa của đồng bào và Bộ đội Biên phòng:

Quang cảnh thu hoạch mùa ở vùng đồng bào Rục cứ như ở đồng bằng

Mỗi người một việc để nhanh đưa lúa về nhà

 Cánh đồng lúa nước hai vụ rộng gần 10 ha của đồng bào Rục

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng cùng đồng bào Rục thu hoạch lúa

Niềm vui được mùa của đồng bào Rục ở Mò O Ồ Ồ. 

Khắp các cánh đồng lúa chín vàng rộm ở “đỉnh trời” của dãy Trường Sơn phía Tây Quảng Bình vui như vào hội.

Các chiến sĩ Biên phòng kéo máy tuốt lúa cho người dân

Việc đưa cây lúa nước và cánh đồng Rục Làn đến với đồng bào Rục là một cuộc "cách mạng", giúp đồng bào tiếp cận cách sản xuất mới để vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ vậy, người dân đã chủ động được nguồn lương thực trong cả năm, không còn đứt bữa như trước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa vàng của đồng bào Rục dưới chân núi Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO