Lũ ở Bình Định vừa xuống, xuất hiện lũ ở Quảng Nam, khiến 2 người chết và 1 người mất tích
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, đặc biệt là ngày 2 và 3/12 khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng nề, chia cắt.
Sáng ngày 3/12, nước lũ từ sông Tam Kỳ dâng cao do hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ hơn 500 m3/s đã gây ngập cho nhà dân và 1 số tuyến đường tại TP. Tam Kỳ. Tại khu vực chợ Tam Kỳ, nước dâng cao khiến tiểu thương phải nghỉ bán. Nhiều tiểu thương hoảng hốt di chuyển hàng hóa, vật dụng đến nơi cao, khô ráo để tránh lũ. Khu vực Cồn Thị thuộc phường Phước Hòa (TP. Tam Kỳ) đang bị ngập sâu, đường bê tông vào xóm đã bị ngập từ 30-40 cm, có nơi ngập gần 1m khiến việc đi lại của người dân khó khăn, nhiều ngôi nhà nằm dọc bờ sông khu vực xóm Cồn Thị cũng đã bị nhấn chìm. Tại khu vực xã Tam Thăng, Tam Phú (TP. Tam Kỳ) đã bị chìm sâu trong biển nước, ước tính thiệt hại hàng chục ha lúa trái vụ đã chín nhưng chưa gặt kịp do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua. Cũng do mưa lớn, nên tuyến đường ĐT615 đoạn từ thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) chạy xuống đường ven biển 129 bị ngập sâu, người dân phải dùng xuồng để di chuyển. Theo quan sát, ở hai đầu ngập của tuyến đường này, chính quyền địa phương đã giăng dây báo cảnh báo nguy hiểm.
Các trục đường chính của TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã bị ngập nặng |
Vào khoảng 6 giờ 30 ngày 3/12, chị T.T.V. (SN 1980, trú thôn Tây Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) điều khiển xe máy BKS 92B1- 263.09 chạy trên tuyến đường Tam Vinh (Phú Ninh) - TP.Tam Kỳ chở theo con trai 4 tuổi. Đến cầu Tây Yên, xã Tam Đàn, khi cố gắng băng qua dòng nước lũ thì cả hai mẹ con bị nước lũ cuốn trôi 150m. Lúc này người mẹ một tay ôm con, một tay níu vào được một cây tre nằm giữa sông. Sau khoảng 20 phút được người dân ứng cứu, 2 mẹ con đưa vào bờ và nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng có mặt hiện trường, dựng gác chắn cảnh báo, cấm phương tiện qua lại.
Tại huyện Núi Thành, một số xã phía Tây của huyện này gồm Tam Sơn, Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây bị ngập cục bộ ở nhiều điểm, giao thông bị chia cắt, một người phụ nữ là bà Phan Thị Hoa (SN 1957, trú thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) đi vớt rong mơ đã bị rơi xuống biển mất tích.
Mưa lớn từ nhiều ngày qua, kết hợp với tình hình xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2 vào lúc 20 giờ ngày 2/12 với lưu lượng xả là 2.000m3/s, nên trên địa bàn huyện Nông Sơn ngày hôm qua (3/12), nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm cho mực nước các sông, suối dâng cao, gây ngập nghiêm trọng. Cụ thể, các tuyến đường giao thông đi lại các xã ở Nông Sơn bị ngập sâu trong nước như: Cầu Khe Rinh (Phước Ninh); cầu Khe Phốc (Quế Ninh); cầu Nàm Anh, Khe Sé, Nhu Sơn (Quế Lâm). Đặc biệt là tuyến đường liên xã Quế Trung - Quế Lâm, Quế Phước bị ngập sau từ 1- 3m, tuyến đường ĐT 611 từ Quế Lộc đi Quế Trung cũng bị chia cắt hoàn toàn. Một số xã ở vùng Tây Nông Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Theo tin UBND huyện Nông Sơn cho biết, trong buổi sáng qua, địa phương này có 1 trường hợp chết đuối do lội nước lũ. Nạn nhân là em Phùng Quốc Dũng, học sinh lớp 8 Trường THCS Quế Lộc.
Nước lũ ở sông Thu Bồn đoạn qua huyện Nông Sơn đang lên rất nhanh, gây ngập nghiêm trọng |
Tại huyện Hiệp Đức, ngày 3/12, nhiều khu vực đi lên khu dân cư của xã Phước Gia đã bị ngập, giao thông không thể đi lại được. Cũng do tình trạng nước sông dâng cao khiến chiếc cầu đi về thôn 3 (xã Phước Gia) bị ngập sâu, cô lập hàng chục hộ dân địa phương.
Còn tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang mưa lớn kéo dài, kết hợp đập thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ khiến nước dâng cao tại nhiều điểm vùng trũng, gây cô lập một số khu vực.
Từ 2/12, thủy điện Đắk Mi 4 bắt đầu xả lũ với lưu lượng 500m3/s, riêng từ đêm 2/12 tới rạng sáng 3/12, lưu lượng xả lũ của thủy điện này tăng lên đến 1.500m3/s. Mưa to, nước sông lên cao, cùng với việc thủy điện xả lũ, nhiều vùng trũng thấp trên địa bàn Đại Lộc đã ngập sâu trong nước từ nửa mét trở lên, nhiều phương tiện không thể lưu thông qua lại được hoặc lưu thông vô cùng khó khăn hoặc phương tiện chết máy. Cụ thể như khu vực 3 khe (Đại Lãnh), khu vực vùng trũng thấp giáp ranh giữa xã Đại Thắng và xã Đại Thạnh, thôn Xuân Nam (xã Đại Thắng), khu vực Ngoại thương (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc)… Không dừng lại ở đó, nhiều vùng xuống giống rau màu vụ đông thuộc bãi bồi ven sông Vu Gia trên địa bàn huyện đã bị hư hại, ngập sâu trong nước.
Mưa lũ làm 10 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định
Theo thống kê thiệt hại tại 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây nguyên sáng ngày 04/12, số người chết là 10 người (Bình Định: 06 người, Quảng Ngãi: 04 người); 01 người mất tích và 03 người ở Bình Định bị thương. Về thiệt hại về nhà cửa, có 51 nhà sập đổ (Quảng Ngãi: 01cái, Bình Định: 50 cái) và 48 nhà ở Quảng Ngãi bị hư hỏng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân ở những điểm bị ngập sâu dọc ven sông Trà Câu, chính quyền Đức Phổ đã điều động lực lượng hơn 100 người, gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ... đến hỗ trợ, giúp dân di chuyển đồ đạc, tài sản |
Về nông nghiệp, có 9.782ha lúa bị ngập, úng (Quảng Ngãi: 468ha, Bình Định: 9.314ha); 2.790ha rau, hoa màu bị hư hại (Quảng Ngãi: 1.264ha, Bình Định: 1.526ha). Có 72.597 chậu hoa, cây cảnh tại Quảng Ngãi bị hư hại
Về chăn nuôi, có 713 con gia súc bị chết (Quảng Ngãi: 8 con, Bình Định: 705 con); 18.086 con gia cầm chết (Quảng Ngãi: 3.284 con, Bình Định: 14.802 con).
Về giao thông, thủy lợi, có 30,785km đường giao thông tỉnh, huyện, xã bị sạt lở (Quảng Ngãi: 30,660km, Bình Định: 125km); 06 cái Đập ở Quảng Ngãi bị sạt lở, hư hỏng và 128 cái đập tạm, đập bối ở Bình Định bị hư hỏng. Có 01 cái Cầu và 09 cái cầu tạm ở Quảng Ngãi bị hư hỏng.
Về tình hình ngập lụt, có 10.160 nhà bị ngập (Quảng Ngãi: 1.212 nhà, Bình Định: 8.948 nhà). Đường từ Định Bình lên Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Thạnh bị sạt lở nặng, đang khắc phục.
Công tác di dời, sơ tán dân của tỉnh Quảng Ngãi: đã di dời 260 hộ dân (huyện Nghĩa Hành: 215 hộ/645 khẩu; huyện Tư Nghĩa: 45 hộ); các xã Phổ Ninh, Phổ Thuận huyện Đức Phổ đang tổ chức di dời, sơ tán một số hộ dân vùng trũng, thấp xen ghép đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cũng đã triển khai 537 cán bộ chiến sĩ, phương tiện ứng cứu nhân dân, tập trung ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão. Lữ Đoàn PPK572 cử 100 cán bộ, chiến sĩ giúp dân ở xã Bok Tới, Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng các sở, ngành của tỉnh kiểm tra thực tế cầu Ráp An (xã An Vinh) bị lở mố |
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng các Sở, ngành của tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại xã An Vĩnh, An Trung (An Lão), Ân Hảo Tây (Hoài Ân). Sau đi kiểm tra tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo UBND huyện An Lão và Hoài Ân tổ chức thăm hỏi động viên các hộ gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ, đồng thời trích kinh phí dự phòng và huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ. Sở NN&PTNT kiểm tra diện tích lúa gieo sạ bị hư hỏng và lượng giống hiện có tại các địa phương để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ cho các địa phương sản xuất; hỗ trợ bao cát cho các địa phương khắc phục tạm đường giao thông, kênh mương bị sạt lở. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra tất cả các tuyến đường giao thông bị mưa lũ hư hỏng, nhất là đối với những tuyến đường, đoạn đường bị hư hỏng nặng, xây dựng phương án nâng cấp, sửa chữa, để người dân đi lại.
Anh Dũng