Mưa lũ hoành hành: Nhiều quốc gia chịu thiệt hại nặng nề
(TN&MT) - Trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, mưa lũ hoành hành nhiều quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây lũ lụt, lở đất, phá hủy nhà cửa và cô lập cộng đồng dân cư ở nhiều nơi.
Tại châu Mỹ, trong ngày 1/7, cơ quan khí tượng Argentina đã nâng cảnh báo đỏ tại các tỉnh miền Nam nước này do bão tuyết và nhiệt độ giảm sâu, nhiều nơi tới gần -10 độ C. Nhiệt độ tại thủ đô Buenos Aires, các tỉnh miền Bắc và miền Trung Argentina nhiều nơi đã xuống tới -6 độ C và có tuyết rơi. Tại các tỉnh miền Nam Argentina, mức cảnh báo đã được nâng lên tới màu đỏ do tuyết rơi dày và nhiệt độ giảm xuống dưới mức -15 độ C.
Tại trung tâm du lịch nổi tiếng El Calafate, tỉnh Santa Cruz, nhiệt độ giảm xuống -8,9 độ C. Nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch đã phải dừng hoạt động vì tuyết rơi dày, đặc biệt là khu vực dọc dãy núi Andes giáp với biên giới Chile, tại các tỉnh Neuquen và Chubut.
Trong khi đó, tại El Salvador, Guatemala và Honduras (Trung Mỹ), những trận mưa xối xả tưởng chừng không bao giờ dứt đã khiến nước các dòng sông dâng cao. Cơ quan Bảo vệ dân sự El Salvador cho biết, mưa lũ làm 19 người thiệt mạng trong tuần qua và 3.000 người phải tìm nơi trú ẩn tạm thời. Mưa lớn đã khiến chính quyền phải tuyên bố báo động đỏ và vàng ở nhiều nơi. Nước lũ cũng tràn vào thành phố Santiago Texacuangos, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.
Trao đổi với truyền thông địa phương, ông Luis Amaya, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự El Salvador cho biết: "Chúng ta phải cứu mạng sống của người dân. Của cải vật chất đến rồi đi, bây giờ chúng ta phải tập trung vào việc bảo vệ tính mạng con người".
Chính phủ Guatemala cho biết mưa lũ đã làm 10 người thiệt mạng, 11.000 người phải sơ tán, hơn 500 người phải ở tại nơi trú ẩn, 300 ngôi nhà và 4 cây cầu bị phá hủy.
Tại nước láng giềng Honduras, hơn 1.500 người phải “chạy nước” trong khi có tới 180 cộng đồng bị cô lập vì mưa bão. Tại Nicaragua, giới chức địa phương cho biết không ghi nhận người thiệt mạng, nhưng mưa lớn gây ngập lụt, triều cường tại nhiều nơi khiến đường sá bị chia cắt và hư hỏng.
Tại Mexico, bão nhiệt đới Alberto đã khiến 4 người thiệt mạng sau khi đổ bộ từ Vịnh Mexico vào khu vực duyên hải miền Đông nước này rạng sáng 20/6 theo giờ địa phương, đồng thời gây ngập lụt nghiêm trọng tại một số địa phương ven biển. Mưa bão cũng buộc bệnh nhân phải rời khỏi một bệnh viện nhi ở bang miền Nam Oaxaca. Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Mexico (SMN), bão Alberto kéo dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực duyên hải, đặc biệt là ở Vịnh Mexico.
Truyền thông Mexico mô tả mưa lớn trên hầu khắp đất nước, đặc biệt dữ dội tại các khu vực bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Từ đó tiến sâu vào đất liền mang theo sấm sét, gió thổi mạnh cuốn cả nước từ các dòng sông lên. Sông Santa Catarina đoạn qua Monterrey tràn bờ, nhấn chìm đồng ruộng và nhiều ngôi làng. Các hồ chứa vốn đang bị khô cạn bởi tình trạng hạn hán chỉ sau vài ngày đã ngập nước, gây lo ngại vỡ bờ.
Trong khi đó, ngày 29/6, một cơn bão khác có tên Beryl đã hình thành trên Đại Tây Dương và hướng tới vùng duyên hải của nước này.
Tại châu Âu, Thụy Sĩ là quốc gia đã liên tục hứng chịu các đợt mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt tại nhiều nơi. Chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp về lũ lụt ở khu vực Đông Nam đất nước và yêu cầu hàng trăm người sơ tán. Cảnh sát bang Graubunden cho biết, lũ lụt dẫn đến nhiều vụ sạt lở, cuốn trôi hàng loạt ngôi nhà, khiến 4 người bị mất tích. Rạng sáng 23/6, họ tìm thấy một phụ nữ dưới lớp đất đá ở thung lũng Alpine. 3 người còn lại, trong đó có một đôi vợ chồng và một phụ nữ lớn tuổi, được cho là ở trong nhà tại thời điểm bị lũ cuốn trôi vì không có tin tức.
Lũ lụt cũng làm cô lập khu trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ Zermatt, ở phía Tây Nam. Nhiều vụ sạt lở và dòng lũ hình thành từ tuyết tan đã gây hư hại nặng đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, lũ lụt lên tới cấp 5 với nhiều con sông lớn, như sông Vispa hay sông Rhone, khiến 230 cư dân tại thị trấn Chippis nằm ở tả ngạn sông Rhone phải sơ tán khẩn cấp.
Trong đợt mưa lũ này, bang Valais của Thụy Sĩ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ mưa lớn và lũ lụt, trong khi làng Zermatt bị cô lập.
Còn tại châu Á, rạng sáng 28/6, trận mưa lớn lên đến 148,5mm trong 3 giờ đã làm sập mái che nhà ga sân bay Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, làm 1 người chết, 8 người bị thương, 9 chuyến bay bị hủy và 47 chuyến bị hoãn.
Tại Trung Quốc, thời gian qua cũng đã chịu nhiều đợt mưa lớn. Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) đã ban hành cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất về mưa lũ tại các tỉnh miền Đông và miền Trung nước này. Mưa lớn trút xuống các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang và Vân Nam. Tại tỉnh Hồ Nam, lở đất do mưa lớn tại một ngôi làng khiến 8 người thiệt mạng.
Đáng chú ý, trận mưa lớn đã đổ xuống một số khu vực thuộc tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc vào đầu tuần này, khiến mực nước sông Miluo ở huyện Bình Giang dâng lên mức cao nhất trong 70 năm qua.
Chính quyền địa phương ở Hồ Nam đã kích hoạt mức ứng phó khẩn cấp tối đa và phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin nhiều khu vực rộng lớn của thị trấn này bị ngập nước, phải giải cứu nhiều người dân bị mắc kẹt. Khoảng 340.000 người ở Trung Quốc và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Một nhà máy sản xuất đồ ăn nhẹ cho biết họ phải đóng cửa trong 5 ngày do mất nước, tắc nghẽn giao thông và đường dây liên lạc bị gián đoạn.
Trong khi đó, vào cuối tháng 6, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) đã đưa ra dự báo, mùa mưa bão năm nay châu Á tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng, trong đó tập trung vào các nước Nam Á và Đông Nam Á.