Trong 3 ngày (từ 31/3-2/4), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, nhất là khu vực phía Nam tỉnh. Tổng lượng mưa phổ biến 160-380 mm, có nơi trên 400 mm, như tại xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng) là 471,6 mm; tại xã Tà Long (huyện Đakrông) là 450,4 mm. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, nước đã rút, giao thông đi lại cơ bản an toàn, riêng diện tích vụ Đông Xuân ở vùng thấp trũng thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong vẫn còn bị ngập. Tổng dung tích các Hồ chứa trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến ngày 3/4 đạt trung bình khoảng 81,25% so với dung tích thiết kế.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh đã chủ động thông báo tình hình diễn biến thời tiết đến các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; các địa phương đã triển khai cắt cử lực lượng trực canh, đặt barie, biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn đang ngập và có nguy cơ ngập, nước chảy xiết; tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để đắp gia cố, tôn cao bờ, đê ngăn lũ tại các vị trí xung yếu; tập trung triển khai kịp thời các giải pháp tiêu úng, khôi phục diện tích sản xuất bị thiệt hại.
Thiệt hại do mưa lũ gây ra đã khiến gần 10.500 ha lúa và hơn 3.000 ha hoa màu ở Quảng Trị bị gãy đổ, ngập úng, có hơn 808 hộ bị ngập nước từ 0,1-0,3m tập trung chủ yếu ở các xã vùng trũng huyện Hải Lăng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng: Để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022 bị ngập úng, rạp đổ để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân; đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố, tôn cao bờ đê bao ngăn lũ nhằm bảo vệ tối đa các diện tích gieo trồng chưa bị ngập; hàn gắn, khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để bảo vệ và phục hồi sản xuất vụ mùa sắp tới.
Trước mắt, tỉnh sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về giống cây trồng vật nuôi để phục hồi sản xuất và bố trí kinh phí để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về thủy lợi, giao thông… bị hư hỏng trong đợt mưa lũ từ 31/3-2/4.
Về lâu dài, tỉnh đề nghị trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí giúp tỉnh khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại trong các đợt thiên tai; đồng thời có các phương án, kịch bản ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan, dị thường và có tính lịch sử.
Tại chuyến kiểm tra, Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng: Diễn biến thất thường của thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung, để khắc phục những thiệt hại này, trước mắt tỉnh cần lưu ý những khu vực còn có thể bảo vệ được sản xuất cho vụ mùa thì thực hiện bơm tát, chăm sóc cây trồng ngay sau khi nước rút, còn nhưng khu vực ngập sâu cần xác định tập trung cho vụ mùa tới; trong đó lưu ý công tác bảo vệ tài sản, tính mạng người dân mùa mưa lũ.
Phía Tổng Cục đang có những đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền Trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển và sẽ tính toán phương án chuyển đổi, công trình tưới tiêu, cắt lũ, hạ tầng giao thông... thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay, cùng với đó sẽ có những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ từ trung ương đến địa phương một cách bền vững, lâu dài.