Từ Tây Ban Nha, Pháp đến miền Tây nước Nga, nhiệt độ trên khắp châu Âu đã cao hơn bình thường từ 10 đến 20 °C vào đầu năm 2023, với hàng nghìn kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023.
Theo dữ liệu do Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt công bố, ít nhất 8 quốc gia châu Âu - bao gồm Ba Lan, Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Belarus, Litva và Latvia - đã ghi nhận nhiệt độ ngày ấm chưa từng thấy trong tháng 1 .
Tại Korbielów, Ba Lan, nhiệt độ lên tới 19 độ C – mức nhiệt mà khu vực thường ghi nhận vào tháng 5, cao hơn 18 độ C so với mức trung bình 1 độ C vào tháng 1 hàng năm. Ở Javorník, Cộng hòa Séc, nhiệt độ ở mức 19,6 độ C, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 độ C vào thời điểm này trong năm.
Nhiệt độ ở Vysokaje (Belarus) thường dao động quanh mức 0 vào thời điểm này trong năm. Nhưng hôm 2/1, khu vực này ghi nhận nhiệt độ đạt 16,4 độ C, đánh bại kỷ lục trước đó của đất nước vào tháng 1 là 4,5 độ C.
Ở nhiều nơi khác tại châu Âu, hàng nghìn trạm đo nhiệt độ tại địa phương cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới trong khoảng từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023.
Miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp có thời tiết ấm áp chẳng khác gì mùa hè. Tại Bilbao, nhiệt độ cao tới 24,9 độ C, ngày nóng nhất trong tháng 1 từ trước đến nay. Các trạm đo nhiệt độ ở Cantabria, Asturias và vùng Basque cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Chỉ có Na Uy, Anh, Ireland, Italy và Đông Nam Địa Trung Hải chưa ghi nhận ngày ấm kỷ lục trong tháng 1.
“Chúng tôi có thể coi đây là hiện tượng thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử châu Âu. Trong đợt nắng nóng cực độ hồi tháng 7/2022, Vương quốc Anh đã trải qua đợt nắng nóng cực đoan và cường độ này đang lan ra khu vực rộng lớn hơn nhiều, bao gồm khoảng 15 quốc gia. Có thể nói đây là lần đầu châu Âu ghi nhận hiện tượng thời tiết cực đoan trong tháng 1, có thể sánh ngang với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra ở Bắc Mỹ”, ông Herrera nói.
Ông Alex Burkill, nhà khí tượng học cấp cao tại Cơ quan thời tiết quốc gia Vương quốc Anh (MET), cũng nhận định rằng đây là hiện tượng thời tiết cực đoan. Ông nói: “Nhiệt độ cao cực đoan đang trải khắp một vùng rộng lớn. Thành thật mà nói, điều này chưa từng xảy ra”.
Ông Burkill giải thích rằng một khối không khí ấm phát triển ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi đã di chuyển về phía Đông Bắc qua châu Âu từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bị áp suất cao trên Địa Trung Hải kéo vào.
“Khối không khí này đã lan sang Đan Mạch, Cộng hòa Séc và gần như toàn bộ nước Đức, khiến những khu vực đó đã chứng kiến nhiệt độ trong tháng 1 vượt mức kỷ lục. Một điểm đáng chú ý khác là chúng tôi ghi nhận thời tiết ấm bất thường tại miền Nam nước Anh. Trong đêm Giao thừa, tôi nghĩ có khoảng 7 địa phương ở Anh ghi nhận thời tiết ấm nhất lịch sử”, ông Burkill nói.
Hôm 2/1, vùng Baden-Geroldsau của Đức đã ghi nhận mức nhiệt đáng kinh ngạc 19,2 độ C. Tại Hohenpeißenberg ở độ cao 977 m so với mực nước biển, nhiệt độ đã đạt 18,2 độ C. Chỉ trong 3 ngày, 982 kỷ lục hàng tháng đã bị phá vỡ ở Đức.
Đây cũng là những ngày tháng 1 nóng nhất trong lịch sử ở Ukraine, nơi hầu hết các trạm đo nhiệt độ đều ghi nhận mức nhiệt phá kỷ lục. Lviv ghi nhận mức nhiệt 14,9 độ C vào ngày 2/1, Rivne và Kiev ghi nhận nhiệt độ 13,2 độ C , Vinnytsa 13,1 độ C, Konotop 8,6 độ C và Chernihiv 10,3 độ C.
Nhiệt độ kỷ lục cũng đang bao trùm nước Nga. Vùng Makhachkala hôm 2/1 ghi nhận nhiệt độ 19,2 độ C và Derbent có mức nhiệt 18,6 độ C.
Đợt ấm bất thường này dường như đã cứu đỗi lục địa đang phải hứng chịu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Theo dự báo, phần lớn châu Âu sẽ tiếp tục trải qua nền nhiệt cao hơn mức bình thường trong 2 tuần tới.
Nhà khí tượng học Scott Duncan cho rằng nhiệt độ trên khắp châu Âu đang ở mức đáng kinh ngạc. “Chúng tôi đã đón năm mới trong thời tiết vô cùng ấm áp vào năm ngoái. Nhưng năm nay thời tiết còn ấm hơn. Chúng tôi nhận thấy rằng nền nhiệt cao này đã phá kỷ lục ở một số quốc gia”.
Ông Duncan cho rằng rất khó xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan này. La Niña - hiện tượng nước biển lạnh hơn so với bình thường và nhiệt độ bất thường trên mặt biển có thể là một trong những nguyên nhân.
“Tuy nhiên, không có nguyên nhân nào mới mẻ. Vậy điều gì đã khiến nhiệt độ tăng lên vượt kỷ lục? Bầu không khí ấm lên và các đại dương của chúng ta cuối cùng đang khiến các kỷ lục dễ bị phá vỡ hơn”, ông nói.
Giáo sư Bill McGuire, người đã viết về hậu quả của biến đổi khí hậu, cho biết nhiệt độ cao là dấu hiệu cho thấy những điều tồi tệ sắp xảy ra.
“Điều đáng lo ngại nhất là tốc độ nóng lên toàn cầu, đơn giản là đây không còn là điều đáng ngạc nhiên nữa. Hiện tượng thời tiết này là dấu hiệu cho thấy khu vực này sẽ chứng kiến mùa đông ngắn hơn chỉ còn vài tháng với thời tiết ấm áp, ẩm ướt và ôn hòa, ít có sương giá, băng hoặc tuyết hơn trong tương lai”, ông nói.