Một thửa đất hai người nộp thuế ở Bát Tràng: Thêm tình tiết kỳ lạ

25/11/2017 00:00

(TN&MT) - Liên quan đến vụ việc một thửa đất nhưng có hai người nộp thuế xảy ra ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội lại vừa xuất hiện nhiều chi tiết kỳ lạ...

(TN&MT) - Liên quan đến vụ việc một thửa đất nhưng có hai người nộp thuế xảy ra ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội lại vừa xuất hiện nhiều chi tiết kỳ lạ và có những điểm mâu thuẫn rất khó hiểu...
 
Nhiều điểm kỳ lạ mới
 
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về vụ việc một thửa đất hai người nộp thuế ở Bát Tràng, diễn biến liên quan trong vụ tranh chấp đất đai giữa ông Phạm Vĩnh Phúc (trú ở Tây Sơn, Đống Đa, TP. Hà Nội) và bà Phạm Bích Thảo (là chị con nhà bác ông Phúc, thường trú ở Láng Hạ, Đống Đa, TP. Hà Nội). Trong tập tài liệu ông Phúc cung cấp cho PV có văn bản thông báo nộp thuế lần 01 năm 2017 của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm gửi cho ông Phúc và biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 2012 đến năm 2017 có nhiều tình tiết kỳ lạ, mâu thuẫn khó lý giải.
 
Điểm kỳ lạ thứ nhất là ông Phạm Vĩnh Phúc đã nộp thuế trước khi có thông báo của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm. Cụ thể, văn bản thông báo nộp thuế lần 1 số 12550/TB của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm được ký ngày 19/09/2017 nhưng tại biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 2012 đến năm 2017 của UBND xã Bát Tràng lại thu ngày 17/08/2017.
 
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Vĩnh Phúc do bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - cán bộ xã Bát Tràng ký.
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Vĩnh Phúc do bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - cán bộ xã Bát Tràng ký.
Như vậy, có thể hiểu ông Phạm Vĩnh Phúc đã nộp thuế trước khi có thông báo của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm khoảng một tháng hai ngày. Trước mâu thuẫn này, dư luận đặt vấn đề là vì sao khi chưa có thông báo của cơ quan thuế mà ông Phúc đã đi nộp thuế và vì sao UBND xã Bát Tràng tiến hành thu thuế của công dân?
 
Điểm kỳ lạ thứ hai là thời gian nộp thuế của ông Phạm Vĩnh Phúc có sự mâu thuẫn rất khó hiểu. Cụ thể, tại văn bản thông báo nộp thuế lần 1 số 12550/TB của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm có nêu rõ, tính đến ngày 31/07/2017, ông Phúc đã hoàn thành việc nộp thuế sử dụng đất với số tiền 594.000 đồng. Tuy nhiên, tại biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số: 0033239 và 0033240 của UBND xã Bát Tràng lại ký ngày 17/08/2017, tức ngày ông Phúc nộp thuế.
 
Thông báo nộp thuế của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm với ông Phạm Vĩnh Phúc.
Thông báo nộp thuế của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm với ông Phạm Vĩnh Phúc.
Như vậy, nếu như theo biên lai thu thuế sử dụng đất của ông Phúc thì mãi đến 17/08/2017 ông này mới hoàn thành việc nộp thuế, thế nhưng, không hiểu vì sao tại văn bản thông báo nộp thuế lần 1 của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm thì ông Phúc đã hoàn thành việc đóng thuế sử dụng đất cho Nhà nước từ 31/07/2017, tức vênh nhau tới khoảng nửa tháng.
 
Trước vấn đề trên, dư luận tiếp tục đặt ra thắc mắc tại sao lại có sự mâu thuẫn khó hiểu tại văn bản thông báo nộp thuế lần 1 số 12550/TB của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm và biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số: 0033239 và 0033240 của UBND xã Bát Tràng. Liệu có phải do trách nhiệm do UBND xã Bát Tràng hay có sự khuất tất, bí mật nào đó giữa ông Phúc và các đơn vị nói trên?
 
Vì sao "né" trách nhiệm?
 
Trước đó, như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, để hiểu rõ vụ việc cả ông Phạm Vĩnh Phúc và bà Phạm Bích Thảo đều nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trên một thửa đất số 14, tờ bản đồ số 14 ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng đang xảy ra tranh chấp , ngày 21/11, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã một lần nữa đến trụ sở UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) để gặp gỡ những người có liên quan.
 
Tại UBND xã Bát Tràng, sau khi không liên hệ gặp được Chủ tịch xã là ông Phạm Văn May với lý do ông May đang đi họp, PV đã liên hệ với địa chính xã như hướng dẫn khi trao đổi điện thoại lần trước với vị Chủ tịch. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thu Hiền – cán bộ địa chính xã được ông May giới thiệu gặp cũng đi vắng.
 
Sau đó, PV cũng được bà Hoàng Thị Thu Hiền giới thiệu xuống liên hệ với cán bộ thu thuế xã Bát Tràng là bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, rất may là bà Hiền không đi vắng.
 
Trao đổi với PV về trường hợp cả ông Phạm Vĩnh Phúc và bà Phạm Bích Thảo tại sao lại cùng nộp thuế trên một thửa đất đang xảy ra tranh chấp, bà Hiền xác nhận việc thu thuế của ông Phúc và cho biết trong Giấy xác nhận đăng ký đất đai ghi rõ thửa đất đang tranh chấp, hơn nữa ông Phúc cũng có giấy cam đoan nộp thuế. “Trong đơn ông Phúc cũng ghi rõ là tự nguyện nộp, dù phán xét của Tòa án có như thế nào thì ông cũng không lấy lại tiền đã nộp”, bà Hiền nói.
 
Khi PV đặt vấn đề là nếu ai cũng viết giấy cam đoan này cũng được nộp? thì bà Hiền nói: “Do công dân có nhu cầu nộp thuế vào Nhà nước, còn xác nhận trực tiếp thì lên hỏi phòng địa chính”.
 
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bát Tràng.
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bát Tràng.
Sau đó, PV tiếp tục đặt câu hỏi công việc của bà Hiền khi thu thuế thì vị này nói: “ Khi có tên trong sổ bộ và hồ sơ của cán bộ địa chính chuyển xuống đây như thế nào thì chị nhập rồi báo cáo”.
 
“Việc lập sổ bộ là do trưởng thôn rà soát từng hộ gia đình, phát tờ khai nộp thuế. Nếu như những gia đình nào có sổ đỏ thì người ta sẽ kẹp chứng minh nhân dân và sổ đỏ photo, còn nhà nào không có thì người ta sẽ đánh dấu vào mục những thửa đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo chứng minh nhân dân. Xong phần này thì cán bộ địa chính sẽ xác nhận và Chủ tịch UBND xã ký đóng dấu chứ chị không thể biết được hộ nào với hộ nào được. Chị chỉ nhìn gia đình nào có tên trong sổ bộ thì chị thu thôi”, bà Hiền nói.
 
“Ông trưởng thôn cũng gọi điện cho chị và nói nhà bà Thảo đã nộp thuế hàng năm, nhưng ông Phúc có Giấy xác nhận đăng ký đất đai và cán bộ địa chính xác nhận thì chỉ làm thủ tục hồ sơ thôi”, bà Hiền nói thêm.
 
“Tất cả các trường hợp đều do cán bộ địa chính chứ không phải người thu thuế bởi trên Chi cục Thuế người ta cũng không biết thửa nào với thửa nào cả. Người ta cứ thấy hồ sơ của xã gửi lên thì xác nhận. Còn toàn bộ hồ sơ ở đây là cán bộ địa chính quản lý”, bà Hiền quả quyết.
 
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Ghi nhận những ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ trao đổi với đại diện phòng địa chính xã Bát Tràng, dù bà Hoàng Thị Thu Hiền đi vắng nhưng vẫn rất “may mắn” PV đã gặp được một cán bộ địa chính khác.
 
Trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Lâm - Cán bộ địa chính xã Bát Tràng cũng trả lời tương tự như phía cán bộ thu thuế, đồng thời cũng đùn đẩy trách nhiệm cho người thu thuế và khẳng định phía địa chính không liên quan bởi theo ông Lâm địa chính chỉ có chức năng là xác định vị trí và giá đất, còn việc thu thuế là không có trách nhiệm gì?
 
Như vậy, những thắc mắc của dư luận về việc vì sao việc một thửa đất có tới 2 cá nhân đóng thuế sử dụng đất nhưng phía xã Bát Tràng vẫn tiến hành thu và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Đề nghị, UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc xác minh và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân về một địa phương thượng tôn pháp luật.
 
Tại biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số: 0033239 và 0033240 ngày 17/8/2017 của UBND xã Bát Tràng cho thấy, ông Phạm Vĩnh Phúc đã nộp thuế một lúc 06 năm từ các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 và năm 2017 với tổng số tiền là 594.000 đồng, trong đó riêng năm 2017 là 135.000 đồng, các năm còn lại là 91.800 đồng/năm.
 
Vấn đề đặt ra là vì sao ông Phạm Vĩnh Phúc đến tận thời điểm năm 2017 mới nộp thuế sử dụng đất của các năm trước, trong khi quy định chỉ cho phép thời hạn chậm nhất để nộp thuế sử dụng đất là ngày 31/12 hàng năm.
 
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Luật sư Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trường hợp nộp thuế của ông Phúc là không đúng quy định, bởi thửa đất đang xảy ra tranh chấp thì không được phép nộp thuế, người thu thuế cũng không được thu tiền thuế sử đất của người dân. "Hơn nữa, trường hợp của ông Phúc là nộp thuế theo kiểu truy thu, một lúc nộp 6 năm liền mà theo quy định thì không được phép", Luật sư Bình cho biết.
 
Kể từ 01/01/2012 trở đi, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 được áp dụng thì người sử dụng đất phải nộp thuế hàng năm, thời hạn chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm (người sử dụng đất có thể lựa chọn nộp 01 lần hoặc 02 lần trong năm). Thời hạn nộp tiền chênh lệch theo xác định của người nộp thuế tại Tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31/3 năm sau. 
 
Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà người nộp thuế đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31/12 của năm đề nghị. 
 
Đối với trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến sự thay đổi về người nộp thuế, người chuyển quyền sử dụng đất có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước nơi có đất chịu thuế trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý. Trường hợp thừa kế, nếu chưa hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước thì người nhận thừa kế có trách nhiệm hoàn tất việc nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

 

Doãn Hưng - Văn Huy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thửa đất hai người nộp thuế ở Bát Tràng: Thêm tình tiết kỳ lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO