Một lần đến Vườn quốc gia Cát Bà

27/12/2015 00:00

(TN&MT) - Con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào sâu trong Vườn Quốc gia Cát Bà giữa màu xanh mướt của cỏ cây. Từng tốp người đi xe đạp, xe máy, thậm chí đi bộ...

 

(TN&MT) - Con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào sâu trong Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà giữa màu xanh mướt của cỏ cây. Từng tốp người đi xe đạp, xe máy, thậm chí đi bộ trên tuyến đường qua VQG để bắt đầu một chặng đường khám phá thiên nhiên sâu thẳm trong Vườn…

Còn nhiều thách thức

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Vườn quốc gia Cát Bà khu rừng nguyên sinh với hàng trăm héc-ta cây gỗ quý như Kim Giao, Lát hoa, Sến mật..., hàng trăm ngàn loại thảo mộc và hàng trăm loài động vật quý hiếm;  trong đó, loài Voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà. Dường như ai đến Cát Bà lần đầu cũng ngạc nhiên trước vẻ đẹp vừa kỳ thú, vừa bí ẩn của hệ thống hang động độc đáo và lạ mắt với nhiều hình thù khác nhau từ động Thiên Long, Đá Hoa đến Hang Luồn, Áng Vả…

Chị Bridget, khách du lịch đến từ nước Ý cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm VQG Cát Bà, tôi rất ấn tượng bởi vẻ hoang sơ và sự đa dạng sinh học vốn có của rừng Cát Bà. Tiếc rằng, tôi chưa có cơ hội được nhìn thấy Vọoc. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại để có thể khám phá những điều thú vị nơi đây”.

Vườn quốc gia Cát Bà khu rừng nguyên sinh với hàng trăm héc-ta cây gỗ quý như Kim Giao
Vườn quốc gia Cát Bà khu rừng nguyên sinh với hàng trăm héc-ta cây gỗ quý như Kim Giao

Tham quan VQG Cát Bà, chúng tôi còn bị thu hút bởi sinh cảnh biển đầy bí ẩn. Nhiều loài cá biển hiếm thấy ở Vịnh Bắc Bộ cá tráp đen, cá sóc, nhiều loài thực vật phù du…Sinh cảnh ngập nước ở VQG vô cùng phong phú, đa dạng với rừng ngập mặn, đầm ngập mặn…

Với vẻ đẹp nguyên sơ của hệ sinh thái tự nhiên, hàng năm VQG đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và  ngoài nước đến tham quan, khám phá thiên nhiên. Phó Giám đốc VQG Cát Bà Phạm Văn Thương cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2015 có tới hơn 300.000 lượt khách tham quan VQG. Thế nhưng, nhiều du khách chưa có ý thức bảo vệ cảnh quan còn hái lá, bẻ cành, thậm chí dẫm đạp khiến cây chết hoặc không phát triển được. Hơn nữa, khi lượng khách ngày càng tăng lên cũng là lúc các dịch vụ du lịch “ăn theo” nở rộ, gây ảnh hưởng cảnh quan rừng.

Loài Voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà.
Loài Voọc đầu trắng nổi tiếng được ghi trong sách đỏ thế giới và chỉ có ở Cát Bà.

Theo ông Phạm Văn Thương, mặc dù VQG Cát Bà có chương trình để vừa khai thác, vừa bảo tồn thiên nhiên như tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch tham gia bảo vệ rừng, biển; song những tác động tiêu cực của con người cũng như khó khăn trong công tác quản lý đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến tài nguyên rừng và biển VQG.

Trong khi đó, việc quy hoạch xây dựng khu tái định cư của huyện Cát Hải ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất và dòng chảy; khu rác thải tập trung mới chỉ được xử lý dưới dạng chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước.

Ngoài ra, nghề nuôi lồng bè trên biển đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Bên cạnh những hiệu quả mang lại thì các tác động từ mặt trái của nghề này đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng gây áp lực lớn với môi trường sinh thái biển và tiềm năng, cảnh quan du lịch biển Cát Bà. Cùng với súc vật nuôi trên bè, việc  nuôi trồng này đã tạo ra một lượng lớn chất thải trực tiếp xuống biển gây nguy cơ làm suy kiệt dạn san hô, ảnh hưởng trầm tích đáy biển.

Nâng cao ý thức cộng đồng bao vệ môi trường

Vườn quốc gia Cát Bà có nhiều chương trình để vừa khai thác, vừa bảo tồn thiên nhiên như tổ chức hội thảo, xây dựng kế hoạch khai thác và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; thu hút các chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học cho đảo Cát Bà…Một trong những giải pháp được Phó Giám đốc VQG nhấn mạnh là tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch tham gia bảo vệ rừng, biển qua các bảng nội quy tham quan, biển báo dọc đường, phim giới thiệu, trang website của VQG, cử người hướng dẫn trực tiếp cho khách tham quan…

Theo ông Phạm Văn Thương, đối với vấn đề môi trường nước, VQG đã phối hợp với BQL Vịnh Cát Bà để xây dựng các quy chế, nội quy truyền thông về vệ sinh môi trường; tổ chức các tour du lịch tình nguyện tham quan kết hợp với thu gom rác thải; phối hợp với lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, xử lý các hành vi đánh bắt hủy diệt gây ảnh hưởng đến môi trường.

Hàng năm VQG đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và  ngoài nước đến tham quan, khám phá thiên nhiên; chủ yếu tập trung vào các tháng 6,7 và tháng 8
Hàng năm VQG đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá thiên nhiên; chủ yếu tập trung vào các tháng 6,7 và tháng 8

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ, du lịch và giáo dục môi trường (thuộc VQG Cát Bà) phối hợp với BQL Khu dự trữ sinh quyển tiến hành các hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường tới cộng đồng và du khách; trao đổi thảo luận với Dự án bảo tồn Vọoc Cát Bà đề nghị phối hợp tiến hành hoạt động giáo dục môi trường trong trường học và một số nhóm đối tượng trong các xã, thị trấn vùng đệm của Vườn.

“Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ công nhân viên, người dân và du khách, năm 2015, VQG hợp tác với trường đại học Turku – Phần Lan đề xuất xin nguồn tài trợ của Đại sứ Quán Phần Lan để thực hiện Dự án tuyên truyền giáo dục môi trường cho khách du lịch, cộng đồng địa phương và đội ngũ công nhân viên chức trên quần đảo Cát Bà”, ông Phạm Văn Thương nhấn mạnh.

Theo đó, VQG tiếp tục hợp tác khuyến khích đưa sinh viên, khách đến nghiên cứu thăm quan tại Vườn; phối hợp tập huấn bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hướng dẫn; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh ở các trường học…

Thiết nghĩ, để bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và BVMT ở VQG Cát Bà thì bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo VQG Cát Bà rất cần có ý thức cao của cộng đồng và du khách.

Bài & ảnh:Tuyết Chinh – Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lần đến Vườn quốc gia Cát Bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO