Mong nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng, xã hội

Xuân Phương| 28/03/2020 17:51

(TN&MT) - ​​​​​​​Theo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ảnh: GH

Bệnh viện đã xây dựng kịch bản ở nhiều cấp độ

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhìn nhận bệnh viện là điểm nguy cơ lây nhiễm cao, luôn chuẩn bị cho mọi tình huống. Ông Hùng cho biết, đứng về góc độ dịch tễ, Bệnh viện Bạch Mai có thể coi là một điểm có nguy cơ lây nhiễm cao nên những người từng tới bệnh viện trong 14 ngày đều sẽ có nguy cơ. Vì vậy việc điều tra dịch tễ, tuân thủ cách ly là hết sức cần thiết.

“Khi dịch bắt đầu có yếu tố cộng đồng, bệnh viện đã tiên lượng ngay khối y tế sẽ tổn thương đầu tiên vì tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày. Có trường hợp bệnh nhân bị sốt, có triệu chứng đến bệnh viện. Song cũng có những người mang virus và không có triệu chứng đến khám bệnh khác hoặc đi theo người nhà. Vì vậy chúng tôi đã cảnh giác nhưng không thể tránh khỏi nguy cơ vì vẫn phải tiếp xúc và chăm sóc cho bệnh nhân hàng ngày” - Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho hay.

Tiến sĩ – Bác sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai 

Hiện bệnh viện đã ngừng toàn bộ việc tiếp nhận bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Bệnh viện cũng đã dừng các hoạt động cấp cứu, gửi công văn tới các tuyến dưới yêu cầu chuyển bệnh nhân tới nơi khác điều trị thay vì Bạch Mai.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng kịch bản ở nhiều cấp độ để chống dịch nên không bối rối, hoảng loạn khi có trường hợp dương tính.

“Chúng tôi đã chủ động giảm các chương trình tái khám và hạn chế người đến khám. Bây giờ sự việc nóng lên thì ngừng khám” – Tiến sỹ Dương Đức Hùng nói.

Đối với nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện, Tiến sỹ Hùng cho biết, đã chuẩn bị kế hoạch cách ly nhân viên y tế nghi nhiễm, chuẩn bị chỗ ở cho nhân viên, sau đó tập trung vật tư, nguyên vật liệu để kiện toàn chống dịch. Cũng nhờ việc đã chủ động chuẩn bị các tình huống ứng phó nên bệnh viện đã hành động ngay khi có nhân viên y tế nhiễm như cách ly nhanh 160 nhân viên y tế tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính.

“Sau khi phát hiện bệnh nhân 133, khoa Thần kinh bị cách ly chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ buổi đêm. Tất cả y bác sĩ đang ở nhà phải tới bệnh viện để cách ly và làm xét nghiệm. Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội phân loại người phải cách ly về mặt dịch tễ và ngay lập tức cung cấp các nhu yếu phẩm để cho họ yên tâm cách ly. Chúng tôi đóng cửa nhà tang lễ, chỉ duy trì căng tin để phục vụ bệnh nhân và người nhà đang ở trong bệnh viện, đóng cửa các hiệu thuốc. Các nhân viên y tế trực chiến tại viện phải đeo khẩu trang và có đồ bảo hộ” – Tiến sỹ Dương Đức Hùng thông tin.

Thắt chặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn

Bệnh viện cũng thắt chặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, ví dụ hướng dẫn quy trình đi lại, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm khi xử lý rác thải y tế, các bàn bệnh, phòng có nguy cơ được lau khử khuẩn 6 lần một ngày thay vì 3 lần một ngày như trước kia. Tất cả phải sạch sẽ hơn, bắt buộc ai lưu thông trong bệnh viện phải đeo khẩu trang...

Một số khoa đưa thêm các giải pháp chống nhiễm khuẩn. Ví dụ như ở khoa Nhi, tất cả tay nắm cửa có bọc vải đã tẩm cồn thay vì phải lau rửa nhiều lần do có những người quên rửa tay và miếng vải đó được thay thường xuyên.

Bệnh viện Bạch Mai đã lấy 4.300 mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân, tiếp tục mở rộng thêm người nhà, người làm công trong bệnh viện. Theo Tiến sỹ Dương Đức Hùng, hiện các nhân viên bệnh viện rất nỗ lực và tuân thủ cách ly chặt chẽ về mặt dịch tễ.

Mong nhận được sự chia sẻ từ xã hội, cộng đồng đối với ngành y tế

Tiến sỹ Dương Đức Hùng chia sẻ: Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi đó là sự lây nhiễm, gồm lây nhiễm giữa bệnh nhân với bệnh nhân, lây nhiễm giữa bệnh nhân với người nhà và bệnh nhân với y tế. Bệnh nhân lây cho người nhà có khả năng sẽ lan ra cộng đồng. Nếu bệnh nhân lây cho bệnh nhân thì nguy cơ tử vong cao vì bệnh nhân của bệnh viện nặng. Nếu bệnh nhân lây cho nhân viên y tế rồi tiếp tục lây trong viện, sẽ không còn người để điều trị bệnh nữa. Vì vậy việc khoanh vùng, cách ly sớm là việc khẩn cấp cần làm lúc này, không để dịch lan rộng ra nhân viên y tế nữa.

Bên cạnh đó, một số nhân viên y tế còn bị tổn thương về mặt tinh thần do xã hội quá cảnh giác. Họ bị chủ nhà đuổi, không cho thuê nữa vì làm ở Bệnh viện Bạch Mai.

“Vì vậy tôi mong muốn xã hội sẻ chia với ngành y tế, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng tôi ở tuyến đầu. Chúng tôi không đòi hỏi đãi ngộ vật chất để chống dịch, cần nhất sự ủng hộ, đồng cảm” – Tiến sỹ Dương Đức Hùng nói.

Mặc dù tình hình đang dần trở nên căng thẳng, phức tạp hơn và một số người phản ứng tiêu cực nhưng nhân viên Bệnh viện Bạch Mai chưa một ai nao núng. Trong trường hợp phải điều trị cho người dương tính, đã có 600-700 cán bộ nhân viên đăng ký tình nguyện tham gia. Họ ý thức trách nhiệm đối với nhân dân, cộng đồng và nghề nghiệp. Họ cũng được tập huấn để hiểu về cách thức lây nhiễm để phòng chống. Tình huống xấu nhất xảy ra là chẳng may nhân viên y tế dương tính, bị cách ly rồi bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong nhưng hiện tại không một nhân viên nào làm đơn xin nghỉ không lương. Đây là tinh thần chung của cả ngành y tế, không phải chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng, xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO