Anh Trung chia sẻ: Thói quen đọc báo giấy đã ngấm vào tôi từ thời tôi còn là sinh viên. Báo giấy có ưu thế lựa chọn được chuyên mục mình cần đọc, báo điện tử lượng thông tin nhiều, nhanh nhưng vì thế mà đôi khi thông tin bị gây nhiễu, khó lựa chọn được vấn đề cần đọc, cần quan tâm. Ở một số trang báo điện tử nêu thông tin chưa chính xác. Trong tiềm thức của tôi, báo giấy tính chuẩn xác về thông tin cao. Đặc biệt những tờ báo Đảng, báo ngành. Trong đó, có Báo Tài nguyên và Môi trường. Song vì Điện Biên xa trung tâm Hà Nội nên đôi khi tôi nhận được báo thì thông tin hơi muộn.
Thời gian gần đây tôi bắt đầu quan tâm đến tờ báo của ngành tài nguyên và môi trường, điều đó giúp tôi biết thêm nhiều thông tin thuộc lĩnh vực ngành mình đang công tác và cũng là để tìm hiểu cách làm của một số tỉnh, thành khác trong lĩnh vực mình phụ trách.
Tuy tôi không có thời gian để đọc hết lần lượt các bài và các trang báo. Nhưng những bài có vấn đề về đất đai, khoảng sản, môi trường… ở các tỉnh, thành trên toàn quốc là tôi tìm đọc trước; đó là vấn đề hiện đang rất nóng bỏng gây nhiều dư luận xấu trong dân. Và hầu như số báo nào của Báo Tài nguyên và Môi trường tôi cũng thấy có bài viết chống tiêu cực về đất đai, khoáng sản, đặc biệt là việc xả thải môi trường… của các công ty, doanh nghiệp, địa phương từ vùng sâu, vùng xa cho đến các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Qua theo dõi, tôi thấy các vụ việc báo nêu ở một số lĩnh vực như: đất đai, môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm, đặc biệt là phía các công ty xả chất thải gây ô nhiễm môi trường… Nhưng nhiều chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt dẫn đến có những vụ việc báo nêu vài năm sau báo vẫn nêu lại vụ việc ấy, tuyệt nhiên không có chuyển biến gì hoặc chuyển biến nhưng làm đại khái dẫn đến các vụ kiện tụng kéo dài gây bức xúc dư luận trong dân. Rất mong các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc với báo giới để mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và truyền thông.
Hoàng Châu (ghi)