Chính sách quản lý môi trường trong ngành giao thông vận tải đã được xây dựng và ban hành trong nhiều loại hình văn bản. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều hoạt động phát sinh ô nhiễm môi trường vẫn chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành...
Phá dỡ tàu thủy cũ nát đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm cao |
Xây dựng nhiều nhưng...vẫn thiếu
Hiện nay, đối với giao thông vận tải đường sắt, ngoài các quy định chung về bảo vệ và phòng chống ô nhiễm được quy định trong Luật Đường sắt thì các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định trong Tiêu chuẩn 22TCN 348 – 06 và 58/2005/QĐ –BGTVT cũng chỉ mới đề cập đến các thông số quy định về mức ồn. Hệ thống các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, phát thải chất ô nhiễm không khí, rò rỉ dầu từ các đầu máy, xả nước thải trên tuyến hành trình cũng như quy chế về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, xí nghiệp toa xe, quản lý chất thải rắn, lỏng tại các bến bãi đều chưa được áp dụng một cách hiệu quả. Trong khi đó ở nhiều nước có ngành đường sắt phát triển thì các yêu cầu phát thải chất gây ô nhiễm không khí do hoạt động đầu máy được quy định rất chi tiết.
Ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa được xem là loại hình giao thông thân thiện nhất với môi trường. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng chống sự cố môi trường được quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa và đã được cụ thể hóa trong Tiêu chuẩn 22TCN 246 – 06 về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên hiện nay cơ chế, chế tài để quản lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong giao thông đường thủy nội địa còn chưa cụ thể. Chẳng hạn hoạt động quản lý môi trường đối với môi trường tại các bến bãi đường thủy nội địa con chưa được quản lý hiệu quả. Hoạt động phát triển hạ tầng giao thông đường thủy mà cụ thể là hoạt động nạo vét, nâng cấp, xây mới các tuyến đường thủy đều chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông hàng hải mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như công tác nội địa hóa các quy định của công ước quốc tế, công tác tuyên truyền công ước còn yếu, hiệu quả rất thấp. Sau gần 20 năm tham gia Phụ lục I, II của Công ước MARPOL thì mãi đến cuối năm 2012 Việt Nam mới có hai văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi một số quy định của công ước. Bên cạnh đó, số lượng cảng biển trang bị hệ thống tiếp nhận nước thải lẫn dầu, cặn dầu từ các tàu như quy định của Công ước còn rất ít.Chính những hạn chế này đang là thách thức cho công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước từ các loại hình giao thông ở nước ta.
Tập trung hoàn thiện khung pháp lý
Đối với giao thông vận tải, công tác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước, không khí là những vấn đề đặc thù. Đặc biệt là với hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước từ hoạt động hàng hải. Hiện tại nguồn gây ô nhiễm này mới chỉ được kiểm soát theo quy định của công ước quốc tế, chưa có quy định của Việt Nam để kiểm soát vấn đề này. Trong khi đó, nguy cơ gây ô nhiễm và tác động của các nguồn này là rất lớn. Điều này đặt ra cần phải hoàn thiện các quy định pháp lý để kiểm soát tốt hơn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong Hội thảo chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm do Bộ TN&MT và Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng tổ chức, trước hết cần xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT, trong đó tập trung làm rõ, quy trình, trách nhiệm các ngành trong lĩnh vực kiểm soát nguồn nước. Xác định trọng tâm ưu tiên trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước trên toàn quốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ những định hướng chiến lược mang tầm quốc gia. Xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực nhằm chủ động trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả môi trường do sự cố xảy ra trong ngành giao thông như tràn dầu, nước thải trên biển. Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng đội ngũ “phản ứng nhanh” trong phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố để xử lý nhanh những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nước, quy định chuẩn xả thải phù hợp với các nhóm ngành đặc thù của ngành giao thông vận tải. Đặc biệt phải phù hợp với khẳ năng tiếp nhận nước thải của từng khu vực bởi các phương tiện giao thông luôn luôn di chuyển qua nhiều địa phương. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trong đó tập trung ưu tiên kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao...
Theo VEA