Sụt giảm trữ lượng nước
Theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2010 - 2015, tổng lượng khai thác nước dưới đất khoảng 10,53 triệu m3/ngày, trong đó, Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ là 2 khu vực khai thác nhiều nhất với tổng lượng khai thác của 2 vùng vào khoảng 5,75 triệu m3/ngày, chiếm 55,7% tổng lượng khai thác toàn quốc. Lượng nước khai thác tập trung ở 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Dưới sự tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và con người, nước dưới đất có sự biến động khá mạnh mẽ. Do khai thác sử dụng chưa hợp lý, tài nguyên nước dưới đất đang có chiều hướng suy giảm về trữ lượng với mực nước xuống thấp. Điển hình là vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Nam Bộ, mực nước tầng chứa nước Pleistocene có xu hướng giảm dần tại một số vùng có hoạt động khai thác mạnh.
Nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên đang dần cạn kiệt. Ảnh: MH |
Tại Đồng bằng Bắc Bộ, nguy cơ suy giảm mực nước đã được cảnh báo ở các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… Theo số liệu của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, kết quả quan trắc mực nước dưới đất từ năm 1992 đến nay cho thấy, khu vực Hà Nội hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có tâm trùng với khu vực trung tâm của TP. Hà Nội. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình năm trong tầng chứa nước khai thác chính trong khoảng từ 0,08 - 0,91m/ năm. Đây là nguyên nhân gây suy thoái nguồn nước dẫn đến giảm hiệu suất và lượng khai thác, tăng khả năng ô nhiễm và lún nền đất. Tại Nam Bộ, nguy cơ giảm mực nước cảnh báo tại TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Cà Mau…
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, nước dưới đất được khai thác sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp. Khoảng 40% lượng nước cấp cho đô thị và gần 80% lượng nước sử dụng cho sinh hoạt nông thôn được khai thác từ nước dưới đất.
Ô nhiễm cục bộ
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 cũng chỉ ra rằng, tùy theo vùng địa lý mà chất lượng nước dưới đất có sự khác biệt. Phần lớn nguồn nước dưới đất ở nước ta có chất lượng còn tương đối tốt. Tuy vậy, hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất đã và đang diễn ra ở một số khu vực trên cả nước. Ở mỗi vùng, mức độ ô nhiễm là khác nhau, trong đó, vùng Đồng bằng Bắc Bộ có mức độ ô nhiễm nước dưới đất cao hơn các vùng khác. Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là những khu vực có chất lượng nước dưới đất còn khá tốt. Ô nhiễm nước dưới đất chủ yếu là do các thông số TSD, Amoni, kim loại nặng (Mn, As, Cd) và xâm nhập mặn.
Hàm lượng TSD tại một số vùng đều cao hơn giới hạn quy chuẩn Việt Nam cho phép. Điển hình tại Đồng bằng Bắc Bộ khu vực Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định có hàm lượng cao hơn 20.000 mg/l còn tại Nam Bộ khu vực Long Hóa, Cần Giờ có hàm lượng lên tới 30.000 mg/l. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, thông số TSD đều nằm trong giới hạn cho phép.
Mức độ ô nhiễm Asen trong nước dưới đất đang ngày một trầm trọng. Theo kết quả điều tra từ gần 323 nghìn mẫu phân tích tại 6.938 xã trên địa bàn 660 huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 12% số mẫu có hàm lượng Asen từ 0,05 mg/l trở lên. Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ ô nhiễm Asen cao nhất chiếm tới 18,7%, vùng Tây Bắc có tỷ lệ thấp nhất. Có 1.385 xã trên địa bàn 54 tỉnh chiếm 12,5% phát hiện ít nhất 1 mẫu có hàm lượng Asen từ 0,05mg/l. Tuy vậy, ở các khu vực phát hiện ô nhiễm, hầu hết người dân đều không sử dụng trực tiếp nguồn nước nên tỷ lệ sử dụng nguồn nước ô nhiễm cho các mục đích sinh hoạt là thấp.
Hầu hết các thông số kim loại nặng trong nước dưới đất tại các vùng đều có hàm lượng nhỏ hơn giới hạn QCVN. Tuy vậy, một số thông số như: Fe, Mn, As đã được phát hiện có hàm lượng cao hơn ngưỡng QCVN ở một số điểm quan trắc nước dưới đất. Đồng bằng Bắc Bộ là nơi thường có hàm lượng As trong nước dưới đất cao hơn do cấu tạo địa chất của vùng. Bên cạnh đó, hiện trạng xâm nhập mặn nước dưới đất cũng diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Đứng trước những nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm đang ngày càng hiện hữu, theo nhiều chuyên gia, giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm là phải tăng cường xây dựng các hồ, đập, khu dự trữ nước bề mặt để làm sạch nguồn nước ngầm tự nhiên. Thiết lập một hành lang bảo vệ nguồn nước mặt.
Nguyễn Cường