Bạn đọc - Pháp luật

Mỏi mòn chờ đền bù, người dân tố thủy điện Nậm Hóa gây ngập úng

Nguyễn Nga 01/08/2024 - 08:50

(TN&MT) Đất đai đã được đo đạc, kiểm đếm từ những năm 2019 nhưng vẫn chưa được đền bù, GPMB; cứ mưa lũ là ngập, mất trắng hoa màu và nỗi lo ô nhiễm môi trường... Đó là những thực tế đã và đang diễn ra với hơn 50 hộ dân xã Mường Bám và xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La) do ảnh hưởng từ 2 công trình thủy điện Nậm Hóa.

Thủy điện Nậm Hóa được xây dựng trên dòng Nậm Hóa, thuộc địa phận xã Mường Bám, huyện Thuận Châu; có 2 bậc thang với tổng công suất lắp máy 26MW; chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Anpha.

Trong đó, Thủy điện Nậm Hóa 1 có công suất 18 MW, khởi công xây dựng quý IV/2012, hiện dự án chưa phát điện; Thủy điện Nậm Hóa 2 có công suất 8 MW, khởi công xây dựng quý I/2011; phát điện từ quý IV/2016 đến nay.

2(2).jpg
Thủy điện Nậm Hóa 1 đã đề nghị UBND tỉnh Sơn La chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành đến hết năm 2024.

Sống chung với lũ

Nằm ở vùng hạ du thủy điện Nậm Hóa 1, bản Nà Nôm, xã Long Hẹ có 71 hộ dân, hơn 340 nhân khẩu, thì có tới 48 hộ dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thủy điện Nậm Hóa 1.

Để vào bản Nà Nôm, có 2 con đường, một di chuyển từ xã Mường Bám vào thì quãng đường khá xa, còn nếu di chuyển từ Long Hẹ vào thì phải đi qua khu vực cầu tràn. Song, vào mùa mưa, cầu tràn bị ngập nước, nên để vào bản thì phải trèo qua tường, rào phía trên mặt đập, rồi ngược núi đi lên phía trên và tiếp tục di chuyển bằng xe máy.

Bên ruộng nước canh tác đã ngập trong nước, anh Quàng Văn Thương, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Nôm đau xót: Đây vốn là khu vực ruộng lúa 2 vụ của bà con trong bản. Nhưng năm nào cũng thế, bà con cứ cải tạo đất xong để trồng lúa là lại ngập. Hôm 11/7 vừa rồi, do ảnh hưởng mưa lũ nên gần 3ha lúa, hoa màu của bà con bị ngập úng, chưa được giải quyết thì sáng ngày 24/7 lại ngập tiếp.

Cả bản có 7ha gieo trồng, thì có tới 3ha bị ngập. Diện tích này coi như mất trắng, không cứu được vì đã qua thời vụ gieo trồng, phải chờ đến tháng 12 chúng tôi mới có thể cải tạo tiếp. Ý kiến phản ánh thì năm nào cũng có, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

"Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ người dân, chứ bà con đang rất bức xúc, đang dự định sẽ tiếp tục làm đơn kiến nghị tập thể" - anh Thương nói.

Cùng chung cảnh ngộ, 8 hộ dân bản Nà Pa, xã Mường Bám cũng luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến vì thủy điện Nậm Hóa 2.

Anh Quàng Văn Siểng, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Pa, xã Mường Bám, cho biết: Cứ mùa mưa lũ là các hộ dân lại bị ảnh hưởng ngập lụt. Tháng 10 năm ngoái, nhà tôi cũng bị ngập vào tận trong nhà. Nhà tôi còn ngập ít, chứ nhiều nhà còn bị ngập nhiều hơn. Mỗi lần như vậy thì bà con lại phải kê đồ đạc lên cao để tránh bị hỏng.

Theo phản ánh của bà con nơi đây, từ khi có thủy điện Nậm Hóa đã gây đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân. Bà con cũng khẳng định, nếu không có thủy điện thì nước cứ theo dòng chảy mà xuống thôi, kể cả mưa to đến đâu cũng không ngập. Nhưng từ khi có thủy điện thì mới có hiện tượng ngập úng như vậy.

Nước còn cuốn theo xác gia súc, gia cầm, rác thải …. nên ô nhiễm lắm. Bà con muốn trồng cây, chăn nuôi cũng không được, nên chỉ mong được hỗ trợ di dời khỏi vùng ngập úng. Các hộ dân cũng đã kiến nghị với bản, bản kiến nghị lên xã từ năm 2017, nhưng rồi, thực trạng này vẫn kéo dài năm này qua năm khác.

a1(1).jpg
Khu vực ngập bị ảnh hưởng của bà con Nà Nôm, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu.

Khó xử lý dứt điểm, do đâu?

Để tìm hiểu vấn đề này, PV đã trao đổi với lãnh đạo UBND 2 xã Long Hẹ, Mường Bám. Theo lãnh đạo UBND xã Long Hẹ, kiến nghị của nhân dân thì năm nào cũng có. Gần đây nhất là đơn kiến nghị tập thể của 36 hộ dân, đề nghị phía thủy điện đền bù thiệt hại hoa màu đợt mưa lũ ngày 9/6 vừa qua.

Theo đó, ngày 9/6/2024, nước lũ dâng ngập 21.000m2 ruộng của bà con. Do thời điểm đó, bà con mới gieo mạ nên kịp thời cải tạo lại để gieo trồng tiếp. Song chưa đầy 1 tháng, thì lại mất trắng.

Năm nay cũng là năm người dân bị thiệt hại nặng nhất, mưa kéo dài, nước lũ to không tràn hết qua cống của đập Thủy điện Nậm Hóa 1 nên nước dâng lên ngập tài sản, hoa màu của người dân. Diện tích này nằm trong cốt ngập của thủy điện Nậm Hóa 1, đã đo đạc, kiểm đếm nhưng chưa được đền bù hỗ trợ.

Tiếp thu phản ánh nhân dân, UBND xã đã đi kiểm tra, xác định diện tích ảnh hưởng, đánh giá tình hình ngập úng, báo cáo về UBND huyện và công ty. Xã cũng có ý kiến lên UBND huyện, nhưng được biết là huyện cũng không có nguồn kinh phí để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả thiên tai, do diện tích này thuộc phần diện tích lòng hồ của thủy điện.

a3(1).jpg
Người dân vừa cải tạo đất xong để trồng lúa thì đã bị nước lũ cuốn trôi (Ảnh chụp sáng 11/7/2024)

Còn theo lãnh đạo UBND xã Mường Bám, gần đây nhất, ngày 27/6, UBND xã đã làm việc với đại diện công ty, tìm hướng hỗ trợ 8 hộ dân bản Nà Pa sớm ổn định cuộc sống. Song, đại diện công ty lại cho rằng, các hộ bị ảnh hưởng nằm ngoài mốc giải phóng mặt bằng thủy điện, trong hành lang bảo vệ, nên công ty không có cơ sở đền bù, chỉ hỗ trợ khắc phục từ 3-5 triệu đồng/hộ.

Người dân không đồng thuận với mức hỗ trợ này, UBND xã cũng đã đề nghị Công ty hỗ trợ ít nhất 20-30 triệu/hộ theo diện di dời khẩn cấp thiên tai, thì mới có thể đảm bảo ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời, cam kết việc vận hành nhà máy phải đảm bảo không để xảy ra ngập úng như những ngày qua.

Chỉ rõ vi phạm

Ngày 12/6/2024, Đoàn kiểm tra của Sở Công thương tỉnh Sơn La, do ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực địa thủy điện Nậm Hóa 2.

Nội dung kiểm tra gồm: Việc chấp hành các quy định về an toàn đập, hồ chứa nước; việc khắc phục sai phạm đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ ra và xử lý; công tác phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương trong quá trinh vận hành, giải quyết vướng mắc.

z5665903406256_7deaf4edcfb3ec3077d496dc55687a07.jpg
a2(2).jpg
Diện tích ngập úng nằm trong cốt ngập của thủy điện Nậm Hóa 1, đã đo đạc, kiểm đếm nhưng chưa được đền bù hỗ trợ.

Tại cuộc kiểm tra, UBND huyện Thuận Châu đã đề nghị công ty giải quyết tồn tại, vướng mắc, thực hiện cam kết với huyện và người dân địa phương; duy trì vận hành an toàn đập, hồ chứa, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ; xây dựng đường tránh ngập vào bản Nà Nôm, xã Long Hẹ; bồi thường, hỗ trợ với 8 hộ dân bản Nà Pa, 1 hộ dân bản Pá Chóng xã Mường Bám bị ngập ngày 1/10/2023.

Đoàn công tác cũng yêu cầu đơn vị này khắc phục các tồn tại theo ý kiến của UBND huyện Thuận Châu và xã Mường Bám; hoàn thành khắc phục các tồn tại, báo cáo Sở Công thương trước ngày 30/6/2024.

z5681342248728_426fd33c250ea6185f517e049205b369.jpg
Tỉnh Sơn La cũng đã vào cuộc kiểm tra, chỉ ra những tồn tại, vi phạm tại 2 nhà máy thủy điện này.

Cũng theo UBND huyện Thuận Châu, thủy điện Nậm Hóa 1 có diện tích bị ảnh hưởng thuộc xã Mường Bám, Long Hẹ, với tổng diện tích dự kiến 71,58 ha. Toàn bộ diện tích này đã được đo đạc, thống kê kiểm đếm, áp giá sơ bộ. Trong đó, hơn 1,6ha đã hoàn thành GPMB; hiện còn 69,89ha diện tích lòng hồ chưa thực hiện quy trình thu hồi, bồi thường, GPMB.

Về phần diện tích này, huyện Thuận Châu đã có Tờ trình và được HĐND tỉnh bổ sung vào danh mục các dự án nhà nước thu hồi đất tại Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 17/7/2019; danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trình Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 132/NQ-HĐND ngày 17/7/2019; cập nhật vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm huyện Thuận Châu.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện trên địa bàn 2 tỉnh Sơn La – Điện Biên nên đang gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai, liên quan đến việc xác định địa giới hành chính.

Ngày 27/6/2024, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành Báo cáo 703/BC-UBND, trong đó, đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của 2 thủy điện này.

Cụ thể, Thủy điện Nậm Hóa 1 chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động vùng hạ du, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa; chưa lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai; chưa thống nhất với UBND huyện, các xã trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ vùng hạ du.

Đặc biệt, chưa hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ GPMB, chưa triển khai thi công xong hạ tầng tại điểm TĐC gồm nước sinh hoạt, đường giao thông đến điểm, giao thông nội bộ, nhà văn hóa…

Thủy điện Nậm Hóa 2 chưa lắp đặt hệ thống giám sát vận hành bằng camera đối với thông số lưu lượng xả qua tràn và xả qua nhà máy, xả dòng tối thiểu; chưa sửa chữa, thay thế hệ thống cảnh báo an toàn đập, vùng hạ du đập thủy điện và thống nhất với xã Mường Bám việc lắp đặt cảnh báo theo quy định tại Điều 9, Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công thương về lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ…

Chưa lập, điều chỉnh phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình UBND huyện Thuận Châu phê duyệt; chưa lập, trình UBND huyện Thuận Châu phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện.

Có thể thấy rằng, các sở, ngành của tỉnh Sơn La cũng đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư khắc phục các tồn tại, vi phạm. Song không hiểu vì lý do gì, đến nay, những kiến nghị chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm?

Trước đó, trong biên bản làm việc với Đoàn kiểm tra của Sở Công thương, Công ty CP đầu tư thủy điện Anpha cũng đã có ý kiến, sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho 8 hộ dân bản Nà Pa, 1 hộ dân bản Pá Chóng bị ngập ngày 1/10/2023, hoàn thành trước ngày 15/6/2024. Nhưng đến nay, cam kết này, dường như vẫn chỉ nằm trên giấy?

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc.

Tháng 1/2022, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định xử phạt Thủy điện Nậm Hóa 2 về hành vi: Không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng. Tháng 7/2024, đơn vị này tiếp tục bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt về cùng hành vi này.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, nội dung vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, sản xuất của người dân phía hạ du công trình thủy điện Nậm Hóa 2.

Ngày 29/7/2024, Sở TN&MT tiếp tục có Công văn 2635, yêu cầu Công ty CP đầu tư thủy điện Anpha nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước, các nội dung quy định trong Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Trong đó, phải đảm bảo duy trì lưu lượng dòng chảy tối thiểu thường xuyên, liên tục sau đập không nhỏ hơn 5,93 m3/s nếu nhà máy không vận hành phát điện. Tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện rà soát, báo cáo kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế đã được các đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỏi mòn chờ đền bù, người dân tố thủy điện Nậm Hóa gây ngập úng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO