Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện chủ yếu được chia làm 2 nhóm chính: Nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát sạn đồi núi, cát suối, đất sét phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn); nhóm khoáng sản kim loại ( đồng tại các xã Tân Hợp, Hua Păng, Nà Mường, Quy Hướng; chì, kẽm tại xã Tà Lại).
Theo đó, Phòng TN&MT có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện theo thẩm quyền. Tổ chức kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật về khai thác khoáng sản; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện. Phối hợp với các ngành chức năng ở tỉnh, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác, đưa các công trình về trạng thái an toàn sau khi kết thúc hoạt động khai thác, thăm dò khoáng sản.
UBND xã, thị trấn cần thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; giám sát việc chấp hành pháp luật về tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản trên địa bàn; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản trên địa bàn.
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc không có biện pháp ngăn chặn để xảy ra tình trạng khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn do mình quản lý.
Nhã Thiên