TP. Huế đã chính thức mở rộng gấp 4 lần kể từ ngày 1/7 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lớn này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế về những thuận lợi, thách thức cũng như chiến lược phát triển khi TP. Huế mở rộng.
Ông Phan Thiên Định – Bí thư Thành ủy Huế |
PV: Thưa ông, TP. Huế sẽ có thêm những cơ hội gì khi tăng diện tích gấp 4 lần?
Ông Phan Thiên Định: Việc mở rộng đô thị Huế, thành lập các phường... nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp trong quản lý điều hành và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo định hướng phía Đông, Tây, Nam và Bắc, tạo chuỗi liên kết phát huy lợi thế của các địa phương.
Bên cạnh đó, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Huế có điều kiện thực hiện tốt “sứ mệnh” gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi; song song với việc thực hiện “sứ mệnh” của một đô thị động lực trung tâm. Huế hướng đến là thành phố sáng tạo, trù phú, yên bình, phát triển, hạnh phúc, là “hạt nhân” trung tâm của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường. Ngoài ra sẽ là một trung tâm của tri thức và công nghệ để thúc đẩy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xung quanh thành phố hay toàn tỉnh phát triển.
Cần phải nói thêm là khi mở rộng TP. Huế, ngành du lịch của thành phố có thêm nhiều tiềm năng, lợi thế khi không chỉ là sông Hương, núi Ngự, quần thể di sản mà còn đầm phá, biển như Thuận An, Hải Dương, đầm phá Tam Giang... Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai một số đề án khai thác các tài nguyên mới này để Huế không còn “thành phố ngủ sớm” mà là thành phố đáng sống. Tôi tin kinh tế du lịch Huế sẽ phục hồi và có nhiều điểm mới lạ, hấp dẫn là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.
TP. Huế chính thức mở rộng thêm 4 lần |
PV: Huế nổi tiếng là thành phố di sản, vậy khi mở rộng thì định hướng cốt lõi phát triển Huế như thế nào thưa ông?
Ông Phan Thiên Định: Ở phần lõi của TP. Huế sẽ phải giữ những giá trị văn hóa di sản. Những di sản ở những địa phương mới nhập vào chúng ta phải tăng cường bảo tồn, tạo ra những kết nối giữa các di sản để khi nhìn vào tổng thể thành phố vẫn là một đô thị di sản.
Huế đẹp là nhờ những làng mạc xung quanh, nếu không chú ý mà biến cả khu vực này thành đô thị như nhau thì sẽ phá vỡ cái đẹp đó, có những cái văn hóa của kinh đô nhưng có những cái là văn hóa của làng mạc. Đó cũng là một cái đặt ra bài toán quy hoạch.
Mục tiêu của TP. Huế là phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Từ đầu nhiệm kỳ chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số giai đoạn 2021 - 2025. Trong tương lai, thành phố đảo đảm hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả đơn vị trực thuộc UBND TP. Huế và các đơn vị liên quan, nhằm đẩy mạnh ứng dụng số trong lĩnh vực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Huế cũng đẩy mạnh nhiều loại hình truyền thông mới, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp những thông tin mang tính chỉ đạo, những vấn đề thời sự, những chủ trương; chính sách của thành phố…
Phát triển du lịch biển sẽ là điều mà Huế hướng đến sau khi mở rộng |
PV: Ngoài cơ hội, theo ông việc mở rộng TP. Huế sẽ có thách thức nào cần đối diện?
Ông Phan Thiên Định: Việc thành phố mở rộng gấp gần 4 lần, dân số gần 2 lần so với hiện nay làm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng lên. Vì vậy cũng cần có các giải pháp triển khai đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng để làm sao vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả.
Hạ tầng của các địa phương mới nhập vào TP. Huế còn nhiều khó khăn, kết nối giao thông từ các địa phương này đến với thành phố cũng hạn chế. Việc nâng cao đời sống cho các phường, xã mới sáp nhập đòi hỏi nguồn ngân sách không nhỏ, trong lúc đó tình hình dịch bệnh COVID -19 và nguồn thu hạn hẹp cũng là khó khăn lớn khi thành phố được mở rộng. Công tác điều hành cũng phải thay đổi phương thức như ứng dụng công nghệ thông tin điều hành để không gây phiền hà cho các địa phương mới nhập vào.
Ví dụ như phương án liên quan đến phòng chống bão, lũ... khi được mở rộng sẽ có địa bàn trắc trở, khi đó cần có phương án tại chỗ. Thời gian đầu cần có sự kết hợp giữa thành phố với các huyện, thị xung quanh để kịp thời xử lý các biện pháp phòng chống bão, lũ xảy ra.
Ngoài ra, sau khi có thông tin mở rộng TP. Huế thì tình trạng đất đai có dấu hiệu nhốn nháo. TP đang yêu cầu làm sao để không tạo ra cơn sốt bất động sản hay để thị trường bất động sản thao túng dẫn đến những hệ lụy về sau.
Những khó khăn trên nếu chúng ta tạo được sự đồng lòng, toàn tâm, toàn lực Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cũng như với sự hỗ trợ của Trung ương thì sẽ thành công trong công việc xây dựng TP. Huế phát triển xứng tầm với kỳ vọng của mọi người.
Đô thị Huế từ ngày 1/7 sẽ bao gồm TP. Huế hiện hữu, sáp nhập xã Thủy Vân và xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy, sáp nhập phường Hương Hồ, phường Hương An, xã Hương Thọ, xã Hương Phong, xã Hương Vinh và xã Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà, sáp nhập xã Phú Thượng, xã Phú Dương, xã Phú Mậu, xã Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang. Thành lập phường Gia Hội từ việc nhập 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp, thành lập phường Thuận Lộc từ việc nhập 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc, thành lập phường Đông Ba từ việc nhập 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành. Thành lập thêm các phường Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân và Thuận An.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế có diện tích khoảng 265,99km2; dân số hơn 652.500 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã.