Mở ra những “chương mới” cho cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu

13/03/2018 23:07

(TN&MT) - Từ đầu năm 2018 đến nay Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) có thêm 2 cảng biển đi vào hoạt động nâng tổng số dự án cảng biển trên địa bàn tỉnh lên 33 dự án....

 

(TN&MT) - Từ đầu năm 2018 đến nay Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) có thêm 2 cảng biển đi vào hoạt động nâng tổng số dự án cảng biển trên địa bàn tỉnh lên 33 dự án. BR-VT đang nỗ lực khai thác tối đa thế mạnh cảng biển, coi đây là lực đẩy để phát triển kinh tế địa phương trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
 

TNMT cang bien nhon nhip 1


Nhằm tiếp tục nâng cao công suất khai thác hệ thống cảng, tỉnh đã lập đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics với  quy mô trên 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và đầu tư trung tâm logistics với quy mô khoảng trên 800 ha tại khu vực Cái Mép Hạ. Trong chính sách thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên các loại hình kinh tế, dịch vụ lấy phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng làm nhiệm vụ trọng tâm trong đó ưu tiên logistics. Trong đó, một trong 7 dự án, lĩnh vực đang được ưu tiên hiện nay trong lĩnh vực logistics là dự án trung tâm  logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích 800 ha và dự án trung tâm logistics tại khu công nghiệp Cái Mép với diện tích khoảng 100 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỉ đồng.
 

TNMT cang bien nhon nhip 2


KHÔNG CÒN CẢNH “ĐÓI HÀNG TREO CẨU”

Theo quy hoạch đến năm 2020 tỉnh BR-VT sẽ có 35 bến cảng. Hiện nay, tỉnh đã đưa vào khai thác 33 bến cảng. Riêng tại khu vực Cái Mép- Thị Vải có 17 bến đưa vào khai thác trong đó có 7 bến cảng container đang hoạt động với tổng công suất 6,8 triệu teurs/năm và tổng chiều dài cầu bến container dài 4 km. Theo Sở GT-VT, trong số các cảng biển đã được khai thác thì khu vực cảng Cái Mép- Thị Vải hoạt động nhộn nhịp và hiệu quả nhất. Khu vực này đang đảm nhận vai trò cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, tiếp nhận được tàu container loại lớn có trọng tải đến 160.000 tấn. Hàng tuần có hơn 20 chuyến tàu mẹ vào làm hàng tại cảng Cái Mép – Thị Vải trong đó có 4 chuyến đến bờ Đông và 3 chuyến đến bờ Tây của Hoa Kỳ, 4 chuyến đến châu Âu và 9 chuyến đến châu Á. Nếu như cách đây vài năm, công suất của các cảng rất thấp thì năm 2017 đến nay lượng hàng hóa ra vào cảng đã ổn định, không còn cảnh “đói hàng treo cẩu” như trước đây.

9 giờ sáng đầu tuần, chúng tôi có mặt tại Tân Cảng - Cái Mép. Dưới sông, những chiếc tàu chờ cẩu đưa container lên tàu chuẩn bị xuất đi. Trên bờ, những chiếc xe tải vẫn nối nhau ra vào khu vực cảng để đón những đợt hàng container nhập về. Không khí làm việc tại các cảng biển BR-VT cứ thế nhộn nhịp và khẩn trương cho đến tận trưa.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng Tân Cảng - Cái Mép cho biết, trung bình mỗi tuần có 10 chuyến tàu cập cảng. Những ngày Tết, cảng vẫn hoạt động bình thường. Hơn 300 người lao động vẫn thay nhau vào ca để những chuyến hàng được thông suốt. Ông Phúc cho biết, cảng container nước sâu Tân Cảng - Cái Mép trực thuộc Tổng Công ty Tân Cảng - Sài Gòn, hoạt động tại khu vực Cái Mép – Thị Vải bao gồm cụm 3 cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại BR-VT: Cảng container Tân Cảng- Cái Mép (TCTT),  cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) và cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT).  Toàn cụm có 110 ha kho bãi, 1.500m cầu tàu, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 160.000 DWT, tương đương 14.000 Teu. Với cụm 3 cảng nước sâu này, thị phần container xuất nhập khẩu của cụm hiện chiếm 70% khu vực Cái Mép – Thị Vải. Trong đó, cảng TCIT là cảng đầu tiên trong khu vực Cái Mép – Thị Vải đã có sản lượng vượt hơn 1 triệu Teu. Năm 2017 cụm cảng Tân Cảng - Cái Mép có sản lượng tăng trưởng gần 30%, sản lượng hàng trung chuyển giữa khu vực Cái Mép ra khu vực nội địa và khu vực Cái Mép đi Campuchia tăng trưởng gần 70%. Và trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng cụm cảng Cái Mép tiếp tục tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), những chuyến tàu vẫn đều đặn cập cảng. Theo báo cáo của CMIT, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, CMIT đạt mức tăng trưởng 12-15% so với cùng kỳ. Tại Cái Mép – Thị Vải, hàng tuần có 11 chuyến tàu mẹ đi thẳng Châu Âu và Châu Mỹ, trong đó riêng cảng CMIT có 4 chuyến. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc CMIT cho biết, năm 2017 là một năm thành công với CMIT, CMIT đạt được kế hoạch về ngân sách, doanh thu và tiếp nhận trên 700.000 container, tổ chức thành công thử nghiệm tàu 194.000 tấn trọng tải. Hiện CMIT đã đạt 100% công suất thiết kế với tổng sản lượng thông qua, bao gồm sản lượng tàu mẹ và sà lan đạt 1.3 triệu Teu nên năm 2018 cảng không lo cảnh “đói hàng”.
 

TNMT cang bien nhon nhip 3


“CHƯƠNG MỚI” CHO CẢNG BIỂN

Thành công của các cảng trong năm qua và những tháng đầu năm 2018 không chỉ xóa bỏ tình trạng “đói hàng treo cẩu” như trước đây mà còn mở ra một “chương mới” cho khu vực Cái Mép – Thị Vải trong việc chứng minh năng lực của cụm cảng. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của cảng, tháng 1-2018, CMIT đã phối hợp với các cơ quan Hải Quan triển khai hệ thống kết nối quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển, trở thành cảng container đầu tiên trong khu vực triển khai ứng dụng công nghệ mới này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Cái Mép. Từ đây, thủ tục thông quan điện tử hàng hóa được tiến hành nhanh chóng, tiện lợi và cắt giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho Cái Mép.

Cũng trong những ngày đầu năm mới 2018, cảng CMIT đã hợp tác khai thác với bến sà lan thủy nội địa Hưng Thái có vị trí nằm sát bên cảng CMIT. Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái được đưa vào khai thác giai đoạn 1, với tổng diện tích sử dụng hơn 81.000 m2, chiều dài cầu cảng 250m, có khả năng tiếp nhận 3 sà lan hoặc các phương tiện thủy nội địa cùng một lúc. Giai đoạn đầu sau khi đưa vào khai trương, các bến sà lan này sẽ đảm trách việc tiếp nhận xếp, dỡ một lượng hàng container được chuyên chở bằng sà lan cho CMIT. Hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp CMIT tăng thêm hiệu quả trong khai thác cầu bến, mang lại cơ hội thu hút thêm các tuyến tàu mẹ về xếp dỡ tại cảng CMIT. Theo số liệu thống kê của cảng CMIT, 2 tháng đầu năm cảng có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 2%, tiếp tục chứng minh Cái Mép – Thị Vải là cảng cửa ngõ của trung chuyển quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các cảng ở TP. Hồ Chí Minh đang bị tắc nghẽn như hiện tại.

Tương tự, cảng container nước sâu Tân Cảng - Cái Mép cũng đã đầu tư thêm 1 cầu bờ dự kiến cuối năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động, sẽ đáp ứng một phần yêu cầu đón tàu lớn hơn (dự báo trong tương lai có thể đón tàu có sức chở đạt tới 26.300 teu, chiều dài 460m, chiều rộng 63,6m, mớn nước 17m).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cụm cảng Cái Mép– Thị Vải, từ năm 2013 đến nay Bộ GT-VT và tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp như bình ổn giá dịch vụ xếp dỡ, bãi bỏ việc bắt buộc có ca nô dẹp luồng, triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS... Các giải pháp chiến lược cũng được đưa ra như xây dựng hệ thống các trung tâm logistics, kết nối khu cảng với mạng lưới giao thông quốc gia bằng cả đường bộ, đường thủy, đường sắt để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đa phương thức...

Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh BR-VT cho biết, trong thời gian tới, Trung ương cần quan tâm thúc đẩy việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối như đường cao tốc Biên Hòa đến khu vực Cái Mép Thị Vải; cầu Phước An; kết nối đường thủy nội địa, đường sắt. Đồng thời, cũng cần tăng cường việc kết nối hàng hóa, kết nối giữa cảng và các chủ hàng, nhanh chóng thực hiện hiệu quả thủ tục hải quan; kết nối giữa các cảng của Cái Mép-Thị Vải với nhau trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Với các giải pháp đồng bộ này, bức tranh về kinh tế cảng biển của tỉnh BR-VT trong năm 2018 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ sáng sủa hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở ra những “chương mới” cho cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO