Giảm diện tích lúa để trồng cỏ nuôi bò…
Năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã chủ trương cắt giảm từ 3 vụ lúa canh tác trên gần 20.000ha chuyển sang canh tác 2 vụ lúa xen các loại cây ngắn ngày khác nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn. “Năm nay toàn bộ các cánh đồng ở địa phương chỉ sản xuất vụ lúa 2 vụ gồm hè thu và thu đông còn vụ đông xuân này thì bỏ đất trống hoặc chuyển sang trồng hoa màu ngắn ngày để tránh để tránh nước mặn tràn vào gây thiệt hại như năm rồi” - Ông Phạm Văn Bé, ngụ ấp 6, xã Tân Xuân (huyện Ba Tri), cho biết.
Trồng dừa xen trồng cỏ nuôi bò ở huyện Ba Tri. |
Trên những cánh đồng từ huyện Giồng Trôm đến huyện Ba Tri, vụ Đông Xuân này dường như không còn thấy lúa, thay vào đó là các cây trồng khác. Gia đình bà Trần Thị Sẵn, ở ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, có 6 công đất trồng lúa, năm ngoái mất mùa do nước mặn xâm nhập nên năm nay chỉ làm 4 công lúa 2 vụ, còn lại 2 công thì chuyển qua trồng cỏ để chăn nuôi bò. Bà Sẵn, nói: “Năm nay hầu hết bà con ở đây không xuống giống vụ Đông Xuân mà chuyển sang trồng màu hoặc bỏ đất trống chờ mưa xuống mới làm vụ Hè Thu”.
Ở xã An Hiệp (huyện Ba Tri), đã cắt vụ lúa Đông Xuân trên toàn bộ 357ha ruộng, thậm chí một số cánh đồng năm trước canh tác 3 vụ lúa năm nay cắt giảm chỉ trồng 1 vụ lúa. Có những hộ như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở ấp 5, bỏ trồng lúa cả 3 vụ, chuyển toàn bộ 5 công ruộng sang trồng cỏ để nuôi bò, vì trồng lúa năng suất thấp, nước nhiễm mặn, trồng cỏ chống chịu được hạn, mặn, thích hợp để nuôi bò và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp – Nguyễn Quốc Duy, việc khuyến khích bà con chuyển 35ha đất gò cao, thiếu nước ngọt sang trồng cỏ, nâng diện tích trồng cỏ trong xã hiện đã lên tới 116ha, phục vụ nuôi đàn bò hơn 6.300 con, đồng thời, cắt giảm bớt 1 vụ lúa toàn bộ diện tích ruộng trên địa bàn để xen vụ cây ngắn ngày, như đậu, bắp, bo bo… đang là trọng tâm chỉ đạo của UBND xã để tái cơ cấu sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Không riêng xã An Hiệp, cả huyện Ba Tri đã và đang thực hiện chủ trương chuyển toàn bộ 11.000ha đất canh tác 3 vụ lúa xuống còn 2 vụ để trồng cỏ nuôi bò và cây ngắn ngày. Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri - Nguyễn Xuân Vinh, cho biết chủ trương này giúp bà con nông dân tránh thiệt hại do xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Khuyến khích trồng lúa sạch kết hợp nuôi thủy sản…
Các địa phương ven biển như huyện Thạnh Phú đang khuyến khích, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng lúa canh tác, với mô hình sản xuất lúa sạch 1 vụ/năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản dưới ruộng lúa, cho thu nhập cao. Đến nay, đã xây dựng được mô hình điểm Tổ hợp tác (THT) lúa sạch Thạnh Phú, ở ấp An Hòa, xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú), gồm 17 nông hộ tham gia và đã được cấp xác nhận nhãn hiệu “lúa sạch Thạnh Phú”.
Cùng với 17 hộ trong THT An Nhơn, ở xã An Nhơn có hơn 150 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng lúa sạch, với diện tích trên 100 ha. Cả huyện Thạnh Phú hiện có 7 tổ hợp tác sản xuất lúa sạch ở các xã: Quới Điền, Mỹ An, An Nhơn, An Điền và Hòa Lợi. Ông Nguyễn Văn Điền, ở xã Mỹ An, có 6 công đất áp dụng quy trình trồng lúa sạch, nói: “Sản xuất theo quy trình lúa sạch không sử dụng thuốc hóa học, kết hợp nuôi thủy sản, cho thu nhập khá, rất thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai và tình hình nắng nóng, xâm nhập mặn”.
Thu hoạch lúa sạch ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú. |
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú - Nguyễn Văn Hải, cho hay tất cả những nông hộ canh tác 1 vụ lúa mùa trong ao tôm, với tổng diện tích hơn 5.000 ha (thuộc Tiểu vùng 3 của huyện Thạnh Phú) đều được hưởng lợi từ việc có nhãn hiệu khi bán ra thị trường. Tuy quyền nhãn hiệu tạm thời giao cho THT sản xuất lúa ở An Nhơn quản lý nhưng do vấn đề pháp nhân thương mại của THT là không có nên thời gian tới huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư giữ quyền nhãn hiệu tập thể thay thế cho nông dân. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến các THT sản xuất lúa sạch ở huyện Thạnh Phú để bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, nông dân yên tâm, ổn định sản xuất.
Thực tế cho thấy nỗ lực chỉ đạo của chính quyền và sự hưởng ứng thực hiện của người dân trong tiến trình mở hướng sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ở Bến Tre đang có những chuyển biến mạnh mẽ.
Hùng Long