Sẽ chiếm 7% GDP của cả nước
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc thành lập TP. Thủ Đức là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển của TP.HCM. Sau khi được thành lập từ việc tách ra từ huyện Thủ Đức trước kia, 3 quận 2, 9 và Thủ Đức đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ và có ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM. Trong đó, mỗi quận đang hình thành các “cực” tăng trưởng: quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm công nghệ, tài chính; quận 9 có Khu công nghệ cao; quận Thủ Đức có Khu Đại học Quốc gia.
Trụ sở UBND TP. Thủ Đức (TP.HCM) |
Như vậy, 3 quận này có mối liên hệ mật thiết với nhau để hình thành khu đô thị mới sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM. Nếu tiếp tục để các quận tách rời nhau sẽ không tạo nên tính tương tác giữa các cực tăng trưởng đang nằm riêng lẻ ở mỗi quận. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy, UBND TP.HCM đã đặt vấn đề cần liên kết các “cực” tăng trưởng này lại để phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, sớm hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
“Việc thành lập TP. Thủ Đức là đòi hỏi bắt buộc, là nhu cầu tất yếu để TP.HCM hình thành một “cực” tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ được quản lý bởi một đơn vị hành chính xứng tầm - TP. Thủ Đức. Từ đó, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, TP. Thủ Đức sẽ đóng góp 30% - 35% GRDP của TP.HCM, tương đương 7% GDP của cả nước. Trong đó, TP. Thủ Đức sẽ tập trung phát triển 8 khu vực trọng điểm, gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm Sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm Giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm Công nghệ sinh thái - khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước. Trung tâm Giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị Trường Thọ - đô thị tương lai.
“Mô hình "Thành phố trong thành phố" được Trung ương chấp thuận thực hiện nhằm tạo nên bộ máy quản lý Nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại, phát huy sự chủ động trong việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực và những thế mạnh của địa phương. TP. Thủ Đức sẽ giữ vai trò mô hình tiên phong về cơ chế hình thành đơn vị hành chính lãnh thổ “Thành phố trong thành phố” trên cả nước”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thủ Đức lần thứ nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, TP. Thủ Đức sẽ có một “sứ mệnh” rất lớn trong tiến trình phát triển của TP.HCM. Vì vậy, TP. Thủ Đức phải đi đầu trong phát triển kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ và là Thành phố số, Thành phố xanh, có hạ tầng xã hội phát triển…
Cần sớm có cơ chế đặc thù
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, để TP. Thủ Đức hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân TP.HCM. Trong đó, đội ngũ cán bộ của TP. Thủ Đức phải luôn đổi mới tư duy, phong cách, tâm thế làm việc và luôn phải vượt qua chính mình. Đặc biệt, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Thủ Đức phát triển như kỳ vọng.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng, không thể xem TP. Thủ Đức như các quận, huyện khác mà phải đặt ở tầm như TP.HCM thu nhỏ, từ đó xây dựng mô hình quản lý, cơ chế quản lý, cơ chế phân cấp, ủy quyền phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, các Sở, ngành cần khẩn trương nghiên cứu để tham mưu TP.HCM quyết định riêng về phân cấp ủy quyền cho TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức vượt khỏi “khung” như các quận, huyện hiện nay.
TP. Thủ Đức có hạ tầng giao thông đồng bộ |
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức cho biết: Đảng bộ TP. Thủ Đức hiện đang gấp rút nghiên cứu hàng loạt cơ chế đặc thù để trình cấp trên xem xét, cho ý kiến, như cơ chế đặc thù về tài chính; thu hồi, tạo quỹ đất; chính sách về đầu tư phát triển; chính sách về đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất và huy động tài chính cho dự án hạ tầng; chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức để thu hút hoạt động kinh doanh… trên địa bàn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù, cộng với nguồn vốn được ưu tiên được đầu tư kịp thời, TP. Thủ Đức sẽ sớm giải quyết được những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai quy hoạch, xóa các dự án treo, đầu tư hạ tầng giao thông, giảm kẹt xe, ngập nước… Theo ước tính sơ bộ, giai đoạn 2020 - 2025, TP. Thủ Đức cần tổng nhu cầu vốn - khu vực Nhà nước khoảng 41.660 tỷ đồng. Trong đó, hạ tầng giao thông khoảng 30.000 tỷ đồng; hạ tầng chống ngập hơn 6.400 tỷ đồng; đầu tư chuyển đổi số khoảng 4.400 tỷ đồng; phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo khoảng 550 tỷ đồng...
TP. Thủ Đức có diện tích 211,5 km2, dân số khoảng hơn 1 triệu người, gồm 34 phường. Dự kiến, dân số cư trú tại TP. Thủ Đức sẽ đạt 1,5 triệu người vào năm 2030; 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060. Theo định hướng, TP. Thủ Đức sẽ phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM
“Đặc biệt, TP. Thủ Đức cần tiếp tục rà soát, thống kê những vụ việc bức xúc, nổi cộm còn tồn đọng để phối hợp với các Sở, Ban, ngành, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM chỉ đạo giải quyết. Trước mắt, TP. Thủ Đức cần sớm xử lý triệt để các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Công viên Đại học Quốc gia, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc… đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân” - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.