Mô hình góp đất trồng cây cao su ở Tây Bắc: Phát sinh nhiều điểm vênh

07/05/2019 10:08

(TN&MT) - Sau hơn chục năm triển khai mô hình góp đất với các công ty cao su (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc thoát nghèo, nhưng hiện nay, đang nảy sinh không ít bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

T12
Người dân góp đất trồng cây cao su ở Tây Bắc. Ảnh: MH

Tại Tọa đàm khoa học “Người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa: Từ góc nhìn của mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc” vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, phát triển cao su tại vùng Tây Bắc là chủ trương lớn của Chính phủ. Năm 2008, khi giá mủ cao su tại thị trường thế giới ở mức đỉnh điểm, Chính phủ công nhận cao sulà cây đa mục đích. Với chức năng mới này, diện tích trồng cao su đã được phát triển mới hoặc mở rộng tại nhiều địa bàn. Tại vùng Tây Bắc, mô hình người dân góp đất trong quỹ đất canh tác với các công ty của Nhà nước để trồng cao su bắt đầu hình thành.

Nhằm chính thức hóa mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014, cho phép thí điểm mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam để phát triển cao su tại Sơn La. Theo dự kiến, lợi ích thu được từ mủ cao su thông qua xuất khẩu sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào vùng Tây Bắc là một trong những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước. Lợi ích này sẽ đem lại thịnh vượng cho các công ty cao su và sẽ trở thành hiện thực sau 7 - 8 năm kể từ khi trồng, khi cây cao su bắt đầu cho thu mủ.

Tuy vậy, theo khảo sát nhanh của một số chuyên gia tại 6 cộng đồng ở Sơn La tiến hành trong tháng 2, 3/2019 cho thấy: Lợi ích hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà hộ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su.

Đến nay, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng, tương đương dưới 2 - 3% thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương. Trong tương lai, năng suất từ cao su tăng, thu nhập của hộ có thể tăng, tuy vậy, khoảng cách giữa thu nhập từ cao su so với thu nhập từ các loại cây trồng khác còn rất lớn. Bên cạnh đó, với thực trạng cung mủ cao su tại thị trường thế giới vẫn lớn hơn cầu, kỳ vọng lợi ích của hộ thu được từ cao su có thể cao hơn nhiều so với lợi ích của các cây trồng khác có vẻ rất khó có thể đạt được.

Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng, thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng, thu nhập của mình giảm trên 80%; 38% số hộ cho rằng, thu nhập giảm 40 - 80%. Trước khi góp đất, 57% số hộ trong tổng số 425 hộ phản hồi khảo sát cho biết nguồn thu từ cây hàng năm trồng trên các diện tích đất sau đó dành cho cao su là nguồn thu quan trọng nhất. Sau góp đất, nguồn thu từ làm thuê bên ngoài đã trở thành quan trọng nhất.

Theo ông Lò Văn Hùng (bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), gia đình ông góp đất trồng cây cao su đến nay đã được 11 năm, mà chưa được hưởng bất kỳ lợi gì từ cây cao su. Cây cao su không chịu được đất ở Sơn La, sương muối xuống là cây chết. Hiện tại, người dân chỉ mong muốn công ty trả lại đất cho họ để canh tác cây khác.

Đồng quan điểm này, ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Ta Mo, xã Mường Bú, (Mường La, Sơn La) cho hay: “Nhà tôi góp 2,5ha mà hiện chỉ có 800 cây. Tính theo đúng mật độ, 800 cây chỉ tương ứng với 1,7ha, còn 8.000 m2, không được chia cổ tức. Chúng tôi yêu cầu không chia, công ty phải trả lại đất để dân canh tác cây khác”.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, khi vận động các hộ tham gia góp đất, chính quyền xã và công ty đã đưa ra những lời hứa về hiệu quả của mô hình đối với người dân góp đất, cũng như những hỗ trợ đối với người dân nhằm đảm bảo họ tham gia mô hình ổn định. Tuy vậy, mô hình này cho thấy sự rủi do cao vì người dân. Đặc biệt, đồng bào dân tộc hiểu biết chưa cao, khó có thể biết được quy trình sản xuất, xuất khẩu cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp và số tiền mình được hưởng có đúng không.

Từ thực tế này, nhiều đại biểu cho rằng, cần sớm thực hiện tổng kết thí điểm để có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Trước đó, ngày 18/4, tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu cần đánh tổng thể hiệu quả của toàn bộ mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, trong đó, đánh giá những kết quả đạt được, những mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, định hướng phát triển trong thời gian tới …

Hy vọng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ các bất cập và ổn định đời sống cho các đồng bào dân tộc tham gia mô hình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình góp đất trồng cây cao su ở Tây Bắc: Phát sinh nhiều điểm vênh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO