Mỏ đá Hương Bằng (Thừa Thiên Huế): Đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ

29/09/2018 17:01

(TN&MT) - Mỏ đá Hương Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) của Công ty Cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng đã bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ, sau khi xảy ra sự cố một phụ nữ tử vong do nổ mìn ở mỏ đá này...

Mỏ đá Hương Bằng- nơi vừa xảy ra vụ việc một phụ nử tử vong do bị trúng đá của mỏ
Mỏ đá Hương Bằng- nơi vừa xảy ra vụ việc một phụ nử tử vong do bị trúng đá của mỏ

Liên quan đến vụ việc một phụ nữ ở Thừa Thiên Huế tử vong trong lúc đi hái nấm  gần mỏ đá của của Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng (thị xã Hương Trà) mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường vừa thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng.

Sự việc xảy ra vào trưa 21/9 vừa qua, khi bà Trần Thị Ch.(55 tuổi, trú ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) đi hái nấm ở khu vực mỏ đá của Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng. Lúc mỏ đá này đang nổ mìn khai thác thì bất ngờ đá bắn vào người bà Ch.

Nạn nhân bị thủng bụng, gãy chân... và được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, tuy nhiên do vết thương quá năng nên bà Ch. đã tử vong sau đó.
 

Cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của mỏ đá Hương Bằng
Cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của mỏ đá Hương Bằng

Ông Nguyễn Vinh- Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác đá và xây dựng Hương Bằng thông tin sau sự cố, công ty đã gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện, hỗ trợ bước đầu cho gia đình 10 triệu đồng để lo viện phí. Và khi nạn nhân không thể qua khỏi, công ty cũng đã lập tức có mặt cùng gia đình lo hậu sự và hỗ trợ thênm 30 triệu đồng. “Nguyên nhân chính xác của sự việc đang phải chờ công an điều tra, vì khi diễn ra vụ nổ chúng tôi không có mặt ở hiện trường nên không thể trả lời được…”,- ông Vinh cho hay.

Trao đổi với PV Báo Điện tử Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hồ Phước Chê- Giám đốc điều hành của mỏ đá Hương Bằng cho biết, sự việc quá đáng tiếc và ngoài mong muốn của gia đình cũng như công ty, việc đình chỉ sử dụng thuốc nổ của mỏ cũng chỉ là tạm thời, đây là lần đầu tiên công ty bị đình chỉ như vậy sau nhiều năm hoạt động...

“Tuyến đường đi vào mỏ đá vắng vẻ, ít người ở; thời gian tới, công ty sẽ tăng cường lắp thêm biển báo, biển cấm xung quanh mỏ, tăng cường phối hợp tuyên truyền cho người dân về những khu vực nguy hiểm tại mỏ đá. Mặt khác, theo lộ trình của tỉnh, đến cuối năm 2018 các đơn vị có mỏ khai thác đá phải thuê dịch vụ nổ, tiến tới xóa bỏ các kho mìn nhỏ lẻ để đảm bảo an toàn. Vì thế công ty đang hướng đến sẽ không trực tiếp nổ nữa mà hợp tác với các đơn vị hiện đại, quy mô để tiến hành công tác nổ mìn an toàn. Hiện chúng tôi đã trao đổi với Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ (Đà Nẵng) để tiến hành bàn bạc hợp đồng làm dịch vụ nổ trong thời gian sớm nhất...”- ông Chê nói.
 

Công tác đảm bảo an toàn, tuân thủ thời gian nổ mìn sẽ được mỏ đá Hương Bằng chú ý hơn...
Công tác đảm bảo an toàn, tuân thủ thời gian nổ mìn sẽ được mỏ đá Hương Bằng chú ý hơn...

Chia sẻ thêm với PV về quy trình đảm bảo an toàn khi nổ mìn, ông Hồ Phước Chê cho biết trước hết công ty phải có các điều kiện pháp lý như: giấy phép thành lâp; giấy phép khai thác mỏ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận an ninh trật tự... Tất cả các công đoạn phải đảm bảo về phòng cháy chữa cháy; lực lượng cán bộ công nhân viên tham gia công tác nổ mìn phải đủ điều kiện sức khỏe như trong hợp đồng lao động, có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ; tuân thủ quy trình xuất, nạp thuốc, phân công nhiệm vụ thi công bãi nổ... nghiêm ngặt. Tất cả các quy trình đều được gửi cho Sở Công Thương và Phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an tỉnh.

“Thời gian nổ mìn của công ty cũng theo giấy phép đàng hoàng, buổi trưa là từ 11h30-12h30 và buổi chiều từ 16h30-17h30. Tùy theo từng vụ nổ thì chỉ huy nổ mìn sắp xếp để vụ nổ xảy ra trong thời gian nhất định tùy thuộc thời gian thi công tại khai trường. Khi thực hiện vụ nổ, chúng tôi có cảnh giới 4 phía, đánh kẻng báo động 3 lần, sau mỗi lần đánh kẻng đều có đọc thông báo bằng lời. Nhân viên cảnh giới mỗi lần làm việc đều có ghi trong hộ chiếu nổ mìn theo quy định của Công an và Sở Công thương...”- ông Chê thông tin.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết hiện trên địa bàn thị xã có 10 mỏ đá đang hoạt động và 1 mỏ đá đang chờ UBND tỉnh đánh giá lại để cấp phép. Thời gian tới, thị xã sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng nắm bắt tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn; chính quyền cơ sở chủ động nắm bắt thông tin về thời gian tín hiệu, hiệu lệnh, khoảng cách, an toàn khi nổ mìn của các mỏ đá, kịp thời thông báo cho người dân trong vùng được biết để phòng tránh tai nạn có thể xảy ra. Ngoài ra, cũng phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các đơn vị mỏ đá trên địa bàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỏ đá Hương Bằng (Thừa Thiên Huế): Đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO