Mở cửa nghiên cứu khoa học biển: Chìa khóa tiến vào đại dương

15/09/2015 00:00

(TN&MT) - Việc khuyến khích các quốc gia, các tổ chức quốc tế nghiên cứu khoa học trong vùng biển của Việt Nam trong bối cảnh nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học hạn hẹp như hiện nay là hướng đi phù hợp giúp Việt Nam tận dụng nguồn lực quốc tế, phát triển kinh tế biển, đảo...

Thay đổi để phát triển

Việt Nam có đường bờ biển trải dài và một vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và phong phú. Vì vậy, có thể nói, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo là chìa khóa để Việt Nam tiến vào đại dương, tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển mang lại; đồng thời, cũng giúp Việt Nam có cơ sở khoa học để hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên biển. Tuy nhiên, trên thực tế, do năng lực tài chính hạn chế nên điều kiện để Việt Nam tiến hành nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản còn chưa sâu rộng, các hoạt động nghiên cứu mới thực hiện ở vùng biển nông, chưa ra tới vùng biển xa. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngoài việc phát hiện thêm mỏ dầu khí và một vài loại khoáng sản ven biển có thể khai thác công nghiệp thì Việt Nam chưa có phát hiện nào mới về tiềm năng khoáng sản khác. Những kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học về môi trường và các nguồn lợi về thủy hải sản, khí tượng thủy văn cũng chưa có bước tiến dài. Như vậy, những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về biển, hải đảo thu được còn quá nhỏ bé so với những gì đại dương đang ẩn chứa.

Xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, đảo, ngay từ rất sớm, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT “Quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam”. Nghị định này đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển của Việt Nam với các quốc gia khác. Song cho đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, song hành với việc Việt Nam tham gia Công ước Luật biển, ban hành Luật Biển Việt Nam và gần đây nhất là Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì Nghị định đã không còn phù hợp với quy định quốc tế và trong nước.

Mở cửa nghiên cứu khoa học biển sẽ giúp Việt Nam tận dụng nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế biển, đảo... Ảnh: Hoàng Minh
Mở cửa nghiên cứu khoa học biển sẽ giúp Việt Nam tận dụng nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế biển, đảo... Ảnh: Hoàng Minh

Theo Nghị định này, chỉ quốc gia có hiệp định hợp tác với Việt Nam, có dự án hợp tác nghiên cứu khoa học biển với cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã được Chính phủ cho phép mới được phép nghiên cứu. Như vậy, Nghị định không quy định về các trường hợp quốc gia, tổ chức quốc tế khác có  nhu cầu nghiên cứu khoa học độc lập trong vùng biển Việt Nam. Trong khi đó Công ước Luật biển Khoản 4, Điều 246 quy định trong trường hợp bình thường quốc gia ven biển không được khước từ phi lý đề nghị nghiên cứu khoa học của các tổ chức quốc tế và quốc gia khác ngay cả khi quốc gia ven biển và quốc gia đề nghị không có quan hệ ngoại giao. Nghị định này cũng không  quy định trình tự thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan liên quan phối hợp cấp phép. Điều này, gây khó khăn cho cơ quan cấp phép khi thẩm định hồ sơ. Mặt khác, Nghị đinh cũng không quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trong việc quản lý và tiếp nhận các kết quả nghiên cứu khoa học biển của bên nước ngoài; chuyển giao kết quả nghiên cứu mẫu vật, dữ liệu... Do vậy, kết quả do các tổ chức, cá nhân tiến hành trên vùng biển Việt Nam trong thời gian dài chưa được quản lý. Đặc biệt, thẩm quyền cấp phép cho hoạt động này hiện đã thay đổi về cơ bản. Nếu như trước đây, thẩm quyền thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ thì nay thuộc về Bộ TN&MT... Đứng trước bất cập này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bô TN&MT) đã xây dựng Dự thảo Nghị định “Quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam” thay thế cho Nghị định số 242/HĐBT.

Khả thi và phù hợp thực tiễn

Dự thảo Nghị định mới được Bộ TN&MT xây dựng dựa trên nguyên tắc tuân thủ, phù hợp với Hiến pháp, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, các điều ước quốc tế và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nghị định này ra đời với kỳ vọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những bất cập trong thực tiễn.

 Theo đó Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương và 23 Điều, trong đó có nhiều điều đã điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tiễn giúp Việt Nam tranh thủ được các kết quả nghiên cứu khoa học do các tổ chức quốc tế thực hiện trên vùng biển Việt Nam như: Quy định sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Khi tham gia họ phải có trách nhiệm chủ động thu thập các thông tin, dữ liệu khoa học trong hoạt động nghiên cứu khi tiến hành trong vùng biển Việt Nam; kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân nước ngoài không tuân thủ nội dung giấy phép... Phải báo cáo quá trình tham gia hoạt động nghiên cứu đến Bộ TN&MT và cơ quan cử hoặc chấp thuận cho mình tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học về quá trình nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu, dữ liệu khoa học thu thập được sau khi kết thúc hoạt động này.

Đi kèm với quy định này, trong Điều 9 quy định về Báo cáo kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học cũng nêu rõ phải thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh và đưa ra bảng hướng dẫn báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu kèm theo Nghị định này.

Dự thảo Nghị định cũng mở rộng phạm vi đối tượng được cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam là tất cả các tổ chức, cá nhân, các cơ quan Nhà nước (không bao gồm tàu quân sự nước ngoài) có nhu cầu nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, tuy nhiên phải có sự hợp tác từ phía Việt Nam và khi Việt Nam có yêu cầu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cùng phía Việt Nam trao đổi, thảo luận nội dung, điều kiện hợp tác và ký kết văn bản hợp tác nghiên cứu khoa học trong vùng nội thủy, lãnh hải Việt Nam.

Hy vọng rằng, với những điều khoản chặt chẽ về nguyên tắc thực thi, song cũng rất cởi mở với đối tượng và phạm vi thực hiện nghiên cứu khoa học có thể hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có những tài liệu khoa học sâu sắc hơn, phủ rộng hơn về tiềm năng tài nguyên môi trường biển; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 mà Chính phủ đề ra.

Kim Liên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở cửa nghiên cứu khoa học biển: Chìa khóa tiến vào đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO