Miền Trung tang thương sau "đại hồng thủy"

18/11/2013 00:00

(TN&MT) - Tuy mưa đã giảm, lũ đã qua đỉnh song nhiều nơi ở miền Trung hiện vẫn còn mênh mông biển nước, giao thông bị chia cắt.

   
(TN&MT) - Tuy mưa đã giảm, lũ đã qua đỉnh song nhiều nơi ở miền Trung hiện vẫn còn mênh mông biển nước, giao thông bị chia cắt.
   
   
  Theo các cơ quan khí tượng thuỷ văn, nước ngập sâu là do lũ rút chậm, nước từ nhiều phía đổ dồn ra sông khiến việc tiêu thoát nước chậm. Hiện nhiều nơi ở hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam), sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Côn (Bình Định), mực nước vẫn ở mức cao trên báo động 3 gần 1m.
   
   
Miền Trung chạy lũ
   
   
  Thông tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, suốt những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên mưa rất to. Nhiều nơi bị sạt lở đất, nhiều khu dân cư bị nước cô lập. Giao thông trên QL1 bị gián đoạn từng đoạn. Đường sắt qua khu vực này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải tập trung ứng cứu để thông tuyến, nhưng vẫn xảy ra ách tắc. Các hồ chứa nước trong khu vực đầy nước, vượt qua mức an toàn. Cùng với đó, một số hồ lại trong thời kỳ xả nước, đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho hạ du.
   
   
  Theo nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn, đây là trận mưa lũ có thể coi là bất thường, muộn hơn nhiều năm và sức nước cũng rất lớn. Nước các sông đều lên cao. Nhiều sông đã trên báo động 3, như sông Bồ, sông Hương, sông Vu Gia, sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Lại Giang, sông Kôn, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Cái, sông Đăk Bla... đều vượt qua đỉnh lũ lịch sử của năm 1981 và 1999.
   
   
  Cũng theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, để đối phó với đợt mưa lũ lớn sau bão số 15, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tiến hành sơ tán 19.349 hộ với 78.395 dân từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu. Tuy nhiên, tính đến ngày 18/11, vẫn có đến 24 người chết do mưa lũ. Bị nặng nhất là Bình Định với 12 người chết, tiếp đó là Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 2 người, Kon Tum và Gia Lai mỗi tỉnh 1 người. Trong số 10 người mất tích thì Quảng Ngãi có 4 người, Bình Định 2 người, còn lại 4 người ở 4 tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà và Gia Lai. Ngoài ra còn có 16 người bị thương ở Quảng Ngãi (15 người) và Bình Định (1 người).
   
   
Cuống cuồng khắc phục
   
  Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, trong những ngày tới, mưa lớn ở miền Trung sẽ giảm, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến khu vực phía bắc Khánh Hòa hầu hết chỉ còn ở mức báo động 1-2; riêng tại hạ lưu sông Thu Bồn, sông Vệ, sông Côn vẫn còn trên báo động 2 và sau 1-2 ngày nữa nước trên các sông này sẽ xuống. Với tình hình này thì tình trạng ngập úng ở các địa phương sẽ tiếp tục được cải thiện để có thể nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả sau lũ, lụt.
   
   
  Hiện ở nhiều địa phương miền Trung, điện đã bị cúp do nước ngập quá nửa nhà dân. “Thực hiện phương châm nước rút đến đâu, khôi phục cung cấp điện đến đó, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, các đơn vị thành viên của EVNCPC đã khẩn trương triển khai lực lượng kiểm tra lưới điện sau khi nước lũ rút để sớm khôi phục cung cấp điện cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ” -  ông Nguyễn Thành - Phó Tổng Giám đốc EVNCPC cho hay. Tính đến ngày 18/11, các đơn vị đã khôi phục được khoảng 104MW, tương đương 67% phụ tải đã được chủ động sa thải trước đó do nước lũ dâng cao từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên; riêng lưới điện 110kV và lưới điện trung hạ thế của các đơn vị còn lại thuộc EVNCPC tiếp tục vận hành bình thường.
   
   
  Những khu vực chưa thể khôi phục cung cấp điện chủ yếu là do nước lũ rút chậm, vẫn còn duy trì ở mức cao không đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị, một số nơi nhất là các huyện miền núi lưới điện bị hư hỏng do nước lũ chảy xiết gây xói lở nhiều vị trí cột, giao thông đi lại chia cắt nên chưa thể tiếp cận hiện trường. Hiện tổng công suất phụ tải sa thải toàn EVNCPC là 52,2MW/1.700MW (3%). Trong đó Thừa Thiên Huế 1MW (0,6%), Đà Nẵng 10MW (3,8%), Quảng Nam 5MW (2,9%), Quảng Ngãi 15MW (13,6%), Bình Định 21MW (10,5%), Gia Lai 0,2MW (0,2%).
   
   
  Sau khi lũ bắt đầu rút, người dân cùng lực lương chức năng, dân quân tự vệ trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã triển khai dọn vệ sinh tại những địa điểm công cộng, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại Đà Nẵng, hàng trăm chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, công an trên địa bàn đã khẩn trương ra quân dọn dẹp vệ sinh tại những điểm trường học, trạm y tế, khơi thông cống rãnh.
   
   
   
   
   
        
Mưa lũ những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Theo thống kê ban đầu đã có 53 nhà đổ, sập và trôi (Quảng Ngãi 32, Bình Định 06, Phú Yên 14, Khánh Hoà 01); 166 nhà tốc mái (Quảng Ngãi 82, Bình Định 84); 109.452 nhà bị ngập (Thừa Thiên Huế 11.141; Bình Định 98.094, Phú Yên 187; Ninh Thuận 30, Quảng Nam chưa có báo cáo cụ thể). Có đến 1.062ha lua và 691ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.
        
    
   
   
  Bài và ảnh: Xuân Lam
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung tang thương sau "đại hồng thủy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO