Miền Trung ngập lụt có phải do thủy điện xả lũ?

11/12/2017 00:00

Những ngày qua, đời sống nhiều người dân miền Trung khổ sở vì tình trạng ngập lụt diễn ra nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, do công tác xả lũ của các thủy điện ở thượng lưu đổ về dồn dập, gấp rút, với lưu lượng lớn nên dẫn tới việc hạ du “dính đủ” khó khăn.

Ngập lụt do mưa to kéo dài

Cuối tuần trước, trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết, các thủy điện đầu nguồn đang xả lũ với lưu lượng lớn, gần 4.500m3/giây. Trong đó, riêng Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 4.100m3/giây. Nhiều địa phương thuộc khu vực hạ lưu sông Ba đang bị ngập.

Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cũng cho biết các thủy điện thượng nguồn sông Ba như An Khê - Ka Nak, Krông H’Năng đang xả lũ với lưu lượng lớn, đẩy nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ, trong khi hồ chứa thủy điện này đã đạt mực nước thiết kế 105m (so với mặt nước biển) nên buộc thủy điện này phải xả lũ với lưu lượng lớn.

Thủy Điện Sông Ba Hạ xả điều tiết 1600m3/s sáng ngày 6.12. Ảnh: Đ.T
Thủy Điện Sông Ba Hạ xả điều tiết 1600m3/s sáng ngày 6.12. Ảnh: Đ.T

Trong những ngày gần đây, lưu lượng nước từ các thủy điện đầu nguồn xả về đã giảm, song chưa thể dự báo chính xác tình hình mưa lũ bởi các diễn biến phức tạp của thời tiết. Hiện tại, theo báo cáo thì các hồ thủy điện đã và đang tiếp tục điều tiết để mực nước trong hồ thấp hơn cả mức dung tích phòng lũ theo quy định nhằm đề phòng diễn biến thời tiết bất ngờ. Tổng hợp tới ngày 6.12, riêng tại tỉnh Phú Yên đã có 3 người chết do bị lũ cuốn.

Trong khi đó, tại các địa phương khác như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… nhiều nơi bị ngập nặng. Tuy nhiên, nhận định là do thời gian qua lượng mưa tại các địa phương cũng rất lớn, khiến tình hình lũ dâng cao chứ không phải do thủy điện thượng nguồn xả lũ. Đơn cử như tại Khánh Hòa, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết, trong những ngày qua lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, chính vì đó mà làm cho nước sông Cái dâng cao.

Thủy điện mới chỉ xả 2/3 lưu lượng cho phép

Trước tình hình diễn biến phức tạp và các nguy cơ hiện hữu, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác do Phó Cục Trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp Tô Xuân Bảo làm Trưởng đoàn đi thị sát và đánh giá thực tế về vấn đề xả lũ tại các hồ thủy điện thời gian qua. Từ đây, nhiều vấn đề được làm rõ, “minh oan” cho các hồ thủy điện.

Nằm ở thượng nguồn, Thủy điện An khê - KaNak có dung tích chứa cả hai hồ lên tới hàng trăm triệu mét khối nước. Mỗi động thái mở cửa xả của hồ này có tác động mạnh tới các hồ chứa khu vực hạ lưu. Vì thế, trong quy trình 1077 quy định khá chặt chẽ.

Theo ông Đỗ Đức Hoài - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Kanak thì “Lệnh xả lũ của UBND tỉnh cho phép thủy điện lượng xả lớn nhất qua tràn ở KaNak là 695m3/s, nhưng thực tế thủy điện chỉ xả 450m3/s; thứ hai là xả qua tràn lớn nhất của An khê là 1245 m3/s, thực tế chỉ xả 900m3/s. Trong đợt xả lũ đầu tiên của năm nay, tại hồ Kanak thì mức nước ngưỡng tràn là 502m, tức là dưới rất nhiều so với quy định dung tích phòng lũ, dung tích phòng lũ như vậy là rất đảm bảo. Nếu như một số nơi khác quy định thông báo trước vận hành xả là 2 tiếng thì nơi đây quy định phải thông báo trước 4 tiếng.

Chúng tôi cũng đồng thời thuê đơn vị khác, đảm bảo tính toán được khi xả lũ tại các hồ chứa An khê - Kanak từ thời điểm này thì bao giờ nước về tới các huyện, xã ở hạ du đặng sau đập. Hiện đập Kanak đang xả 70m3/s thực chất là điều tiết nước hồ chứ không phải là xả lũ. Còn nếu xả lũ thì chúng tôi xả với lưu lượng lớn nhất là 11h ngày 3.12 với lưu lượng là 1000m3/s. Khi xả với lưu lượng này thì mực nước thủy văn ở trạm thủy văn vẫn dưới báo động 1. Hiện tại mực nước đang ở mức 515.8m dưới mực nước dâng bình thường 20cm và chúng tôi đang điều tiết để về mực nước trước lũ 513m” - ông Hoài cho hay.

Phía hạ du dưới đập thủy điện An Khê - Kanak, là các Thủy điện sông Ba Hạ, Thủy điện Krông H’Năng. Khi chịu áp lực từ thượng nguồn xả lũ, tất nhiên các thủy điện này cũng phải giảm tải cho hồ chứa bằng cách xả nước. Theo nhật ký báo cáo xả nước tại Thủy điện sông Ba Hạ, thời điểm mà đơn vị này xả cao nhất là lưu lượng 4.100m3/s từ 7h 45’ ngày 4.12 đến 6h 45’ngày 5.12. Sau đó mức xả liên tục giảm và số liệu lúc 7h ngày 6.12 còn 1.600m3/s.

Ông Nguyễn Đức Phú - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện sông Ba Hạ cho biết “Thực tế, bão vào ngày 4.12, nhưng thủy điện đã thực hiện báo cáo UBND tỉnh đề nghị cho lệnh cho phép xả điều tiết hồ chứa trước từ ngày 1.12, và giữ điều tiết mực nước hồ là 1,02m...”.

Trước tình hình này, ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh, nguyên tắc khi điều tiết nước qua tràn của đập thuỷ điện là lượng nước không được lớn hơn lưu lượng nước từ thượng nguồn. Việc này góp phần để giảm lũ của hạ du.

Theo LĐO

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung ngập lụt có phải do thủy điện xả lũ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO