Do thời tiết thất thường, đặc biệt là cơn lũ cuối tháng 11/2017 đã làm cho người trồng hoa phải lao đao, thất vọng vì công sức bao tháng ngày tập trung vào cây hoa bị hư hại, chết rũ.
Tại thị trường hoa Tết Đà Nẵng, quan sát chợ hoa tại đường 2/9, Công viên 29/3, Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu...; hoặc các bán hoa trên tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh... đều thấy rất ít điểm trưng hoa so với năm trước. Ngay như Hội hoa xuân của quận Liên Chiểu được bố trí mặt bằng rộng hơn 2 ha, rốt cuộc các quầy hoa chỉ chiếm gần 1/3 diện tích trên.
Các điểm bán hoa ở TP. Hội An, Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam); TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Chiếm đa phần thị trường hoa Tết là cây quất, cúc, mai vàng và đào từ ngoài Bắc đưa vào; còn các loài hoa khác như thược dược, hướng dương, vạn thọ... xuất hiện rất ít. Nếu như các năm trước, làng mai ở thị xã An Nhơn đưa ra thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng, Huế... hàng ngàn chậu mai tứ quý để tiêu thụ, thì năm nay loài mai này chiếm thị phần rất nhỏ; hình dáng cây không được đều đặn và nhiều chậu mai không nở đúng dịp Tết như ý muốn của người trồng và người chơi hoa. Chỉ có làng quất tại Hội An, hoa cúc của huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) là được mùa lớn và có mặt trên nhiều điểm bán hoa.
Bù lại thất bác về một mùa hoa Xuân đầy khổ cực, giá cả hoa Tết năm nay tăng mạnh, mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng và bán hoa. So sánh với giá cả năm trước, hiện giá hoa Tết tăng gần gấp đôi. Một chậu quất Hội An trông được mắt có từ 2-3 triệu đồng, cá biệt có những chậu quất cao 2,5 mét trở lên được hô giá 7-7,5 triệu đồng. Một chậu mai tứ quý có giá từ 1,5-3 triệu đồng, trong khi năm trước giá chỉ 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng. Một cặp cúc vàng hiện bán với giá 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng.
Do giá lạnh kéo dài trong các ngày qua nên thị trường hoa Tết khu vực miền Trung chưa sôi động nhiều, sức mua yếu. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng “ngũ dòm” chờ đến giờ phút cuối (30 Tết) xem giá cả tụt mới đi mua sắm; nhưng theo dự đoán thị trường hoa Tết hiện rất khan hiếm nên khó xảy ra tình trạng xuống giá. Thực tế cho thấy, thời gian đã gần hết ngày 30 Tết nhưng lượng hoa tại các điểm bán vẫn còn nhiều, mặc dù rất hoang mang nhưng đại đâ số các chủ bán hoa vân giữ nguyên giá bán.
Tìm hiểu về nguyên nhân năm nay lượng hoa trưng bày bán tại các chọ hoa giảm nhiều so vơi năm trước, một vài chủ bán hoa tại chợ hoa Liên Chểu chia sẻ, do ảnh hưởng bởi năm trước, thị trường hoa ảm đạm, lượng khách đi mua quá ít, khiến cho nhiều chủ bán bị thua lỗ nặng nên năm nay, rất nhiều người không giám buôn bán hoa nữa.
TP. Đà Nẵng không ảnh hưởng nhiều đến lũ lụt, các làng hoa, nhà vườn lại áp dụng công nghệ mới khiến hoa phát triển đều và nở đúng thời điểm đã đem lại nguồn thu nhập cao và bền vững cho người trồng.
Nếu như trước đây, hầu hết các hộ trồng hoa phải nhập cây giống từ các địa phương khác đưa về, gặp phải một số khó khăn như khí hậu chưa thích nghi, chất lượng cây giống bị ảnh hưởng, quá trình vận chuyển tốn chi phí…thì gần đây Trung tâm Công nghệ sinh học TP đã từng bước nghiên cứu, chuyển giao nhiều loại giống hoa để cung cấp cho bà con nông dân; từng bước giúp người trồng hoa chủ động hơn về nguồn cây giống.
Theo đó, Trung tâm đã nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều loại cây hoa giống như: Cúc vàng hòe, dừa cạn, mai yến thảo, dạ yến thảo, hoa Ly, lan cắt cành… cho các vùng trồng hoa tại Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Phước, Hoà Liên (Hòa Vang)….
Chị Nguyễn Thu Trang, người trồng hoa ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)- một trong những vựa hoa Tết lớn nhất Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh chi phối của thời tiết thì nguồn giống, kỹ thuật trồng hoa cũng là một yếu tố quyết định đến thành công.
Khu vườn nhỏ của ông Tường Thế Hợi tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có hơn 3 ngàn chậu cúc xanh lá, búp nở rộ. Ông Hợi cho biết, hơn 20 năm trồng hoa phục vụ thị trường dịp Tết là chừng ấy thời gian ông canh nắng, đếm mưa để sao cho hoa trúng vụ Tết. Tuy nhiên, năm nay nhờ ứng dụng công nghệ vào trồng nên hoa Tết đạt chất lượng cao hơn những năm trước.
“Vườn hoa cúc của tôi phát triển tốt, không sâu bệnh dù thời tiết năm nay mưa nhiều, đã bán hết cho thương lái với giá hơn 600 ngàn đồng/1 cặp; trừ chi phí đầu tư tôi thu lãi khoảng 300 triệu.”- ông Hợi phấn khởi.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đang đi đầu trong việc trồng rau, hoa công nghệ cao, nhờ vậy hạn chế đáng kể những thiệt hại gây ra bởi sự biến đổi khó lường của thời tiết. Và vụ hoa Tết năm nay, nhiều hộ nông dân ở Đà Nẵng trúng đậm trong khi nhiều vùng trồng hoa khác nông dân khóc ròng vì đào, mai, cúc… nở sớm hoặc héo úa, lụi tàn.
Đây cũng là kinh nghiệm quý giá cho người trồng hoa khắp các vùng trong khu vực miền Trung.