Miền Tây huy động toàn lực ứng phó bão Tembin

25/12/2017 13:08

(TN&MT) - Theo các nguồn tin dự báo chính thức bão Tembin đã tràn vào hải phận nước ta từ đêm qua, đang di chuyển theo hướng Tây và có khả năng đổ bộ vào ĐBSCL...

 

(TN&MT) - Theo các nguồn tin dự báo chính thức bão Tembin đã tràn vào hải phận nước ta từ đêm qua, đang di chuyển theo hướng Tây và có khả năng đổ bộ vào ĐBSCL trong vòng 20 giờ tới, với mức độ ảnh hưởng cấp thảm họa, mạnh hơn cơn bão Linda trong lịch sử từng cướp mất hơn 4.500 sinh mạng tại vùng đất này cách đây 20 năm trước…
 

Ghi nhận của phóng viên và công tác viên báo Tài nguyên & Môi trường, tại các địa bàn trọng điểm vùng ĐBSCL, chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương đã và đang ráo riết triển khai huy động toàn lực để ứng phó bão Tembin theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sau cuộc họp trực tuyến ngày 24/12.
 

A 1
Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân đưa phương tiện vào nơi tránh trú an toàn.


 

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP ĐỒNG BỘ…
 

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến đêm qua (24/12), mặc dù lễ giáng sinh, thời tiết chưa có những dấu hiệu bất thường song nhưng các nguồn tin dự báo, phản ánh diễn biến cơn bão Tembin liên tục cập nhật trên các phương thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, khiến không khí sinh hoạt tại các đô thị vùng ĐBSCL tất bật với việc ứng phó và bao trùm tâm trạng căng thẳng, lo lắng…
 

Các thông điệp chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão – cứu hộ cứu nạn các địa phương từ ven biển đến trung tâm đồng bằng liên tục được phát ra. Tỉnh Cà Mau xuất ngân sách hàng trăm triệu đồng hỗ trợ dân mua dây chằng chống bão. Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc hội họp để tập trung chỉ đạo hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão. Tỉnh Vĩnh Long nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc để cùng gia đình ứng phó bão. Ngay trong đêm Giáng sinh, nhiều trường học, giáo viên vẫn còn những cuộc điện đàm đến phụ huynh thông báo việc cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 25, 26/12 để ứng phó bão…
 

Đáng chú ý, các địa phương ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã phát đi thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu người dân cố tình không chấp hành, để triển khai kế hoạch di dời hàng triệu người dân đến nơi tránh trú bão theo các phương án đã định.
 

A 2
Bộ đội biên phòng Sóc Trăng kiểm tra phương tiện hoạt động trên biển để di chuyển, ứng phóng các tình huống kịp thời.


 

PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
 

Việc huy động lực lượng kêu gọi, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân đưa phương tiện đánh bắt hải sản vào nơi tránh trú đã và đang được các lực lượng tập trung thực hiện. Nòng cốt trực tiếp thực hiện vẫn là các đơn vị quân đội. Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã tăng cường cán bộ đến các tỉnh ven biển nắm tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó bão Tembin. Sở chỉ huy phía trước về phòng, chống thiên tai của Quân khu 9 đặt tại các tỉnh cũng đã được củng cố, kiện toàn theo kế hoạch. Đặc biệt là bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đang phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền các địa phương hỗ trợ nhân dân tại các địa bàn trọng điểm.
 

Tại tỉnh Bến Tre, Thượng tá Ngô Đại Cầu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hàm Luông, cho biết đơn vị đã tập trung lực lượng, thực hiện các kế hoạch phòng tránh chống bão của trên và phòng chống bão của bộ chỉ huy đơn vị. Đến đếm qua toàn tỉnh Bến Tre đã có 3.009/3.120 phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn. Riêng huyện Ba Tri – một trong 3 địa phương có lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh, đã có gần 1600/1700 tàu đánh bắt vào khu vực neo đậu tránh bão an toàn, gần 100 tàu đang trên đường di chuyển vào nơi neo đậu.
 

Đồn Biên phòng Hàm Luông đã cử cán bộ kiểm tra việc neo đậu ở bến bãi, nhắc nhỡ người dân chằng néo an toàn, tránh va đập tàu thuyền khi có bão xảy ra. Công tác vận động di dời người dân sống ở các khu vực cồn, chòi nghêu, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, gia đình nghèo chưa có nhà kiên cố… vẫn đang được đơn vị phối hợp chính quyền địa phương triển khai thực hiện.
 

Riêng huyện Ba Tri, có gần 400 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu cần được di dời. Tập trung nhiều nhất ở xã An Thủy và xã Bảo Thạnh. Dự kiến những người dân này sẽ được di dời vào trường học, doanh trại quân đội, Đồn biên phòng, Trung tâm văn hóa… để trú tránh bão. Chủ tịch UBND xã An Thủy – Đặng Tấn Công, cho biết: “Hiện tại ở xã có 141 hộ và 636 nhân khẩu cần phải di dời. Và điểm di dời thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn. Nói chung công tác chuẩn bị đến giờ thì đã cơ bản hoàn thành. Bước tiếp theo là chúng tôi tập trung cho vận động người dân di dời”.
 

Tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), đến sáng nay 25/12 đã kêu gọi được hơn 3.121 thuyền viên trên 316 phương tiện vào khu vực an toàn. Đại tá Nguyễn Song Hào, Phó Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Sóc Trăng, nói: “BCH bộ đội biên phòng Sóc Trăng có duy trì 5 đài canh thường xuyên liên hệ với tàu thuyền đánh bắt trên biển. Và sau khi có thông báo tin bão ngày 16 thì đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động liên hệ với các tàu thuyền. Sau khi có lệnh vào nơi khu vực neo đậu trú bão an toàn thì các tàu thuyền đều chấp hành tốt. Các phương tiện di chuyển vào khu vực Vàm Hồ và đi sâu vào khu vực Đãi Ông để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra”.
 

Đại tá Hào cho biết các đồn biên phòng đang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát một số khu vực đê dễ vỡ, rà soát nắm tình hình nhân dân ở khu vực ven đê và các khu vực trọng yếu có thể chịu ảnh hưởng lớn của bão. Có kế hoạch sẵn sàng di dời dân đến khu vực an toàn khi có tình huống xảy ra. Duy trì lực lượng trực 100% quân số sẵn sàng ứng phó khi có lệnh.
 

Cùng với huyện Trần Đề, địa hình thị xã Vĩnh Châu nằm lồi ra biển Đông, được xác định là xung yếu của tỉnh Sóc Trăng, công tác phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra đang được lực lượng vũ trang cùng các cấp chính quyền thị xã Vĩnh Châu tiến hành rất khẩn trương. Một trong nhiều hộ nghèo ở địa phương là gia đình ông Nguyễn Văn Tư, căn nhà dột nát, xiêu vẹo, đã được bộ đội nhanh chóng giúp chằng chống vững chắc. Ông Tư, nói: “Cũng nhờ mấy anh bộ đội, biên phòng lại tiếp sửa chữa, chở cây, rồi kiềng dây… nên chắc chắn rồi, cám ơn nhiều lắm”.
 

Theo Thượng tá Châu Thành Tâm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Vĩnh Châu, việc chằng chống nhà cửa giúp dân ứng phó bão được lực lượng phối hợp dân quân và lực lượng công an, thanh niên xung kích tiến hành rất chặt chẽ, thành thạo, nhờ những năm qua đã có tổ chức diễn tập thường xuyên.
 

Ở ấp Mỹ Thanh, có 303 hộ, trong đó 94 hộ sinh sống ngoài đê bao đều đã được các lực lượng vận động di dời sơ tán tránh trú bão an toàn. Ông Đoàn Văn Đùa, Bí thư chi bộ ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, cho hay với quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ đến chiều tối qua người già, phụ nữ và trẻ em đều đã được di dời vào trong, trú tránh bão tại trường tiểu học Vĩnh Hải 4, chỉ còn lại thanh niên ở lại giữ ghe hoặc là nước lớn dời ghe vào chỗ sông rạch sâu để tránh cọ quẹt.
 

“Nhờ chính quyền vận động vô đây nè, ở đây vài ngày cho bớt nguy hiểm rồi mới về. Ở đây có đồ ăn, đồ uống cho mấy đứa nhỏ không lo đói” - Bà Phạm Thị Nâu, ở ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, nói.
 

a 4


 

Ở tỉnh Cà Mau, lực lượng Cảnh sát biển vùng 4 cũng đang tích cực triển khai phương án ứng phó bão Tembin đặc biệt là các biên đội tàu đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Tây Nam. Đơn vị đã tiến hành di chuyển tàu thuyền về vị trí an toàn đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương nhanh chóng triển khai việc kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão, hỗ trợ dân chằng chống tàu, thuyền, nhà cửa, kho tàng, bến bãi.
 

Hiện các Hải đội đang tập trung rà soát các phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tàu thuyền tại các điểm để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và xử lý các tình huống khẩn cấp do bão gây ra. Điển hình cán bộ, chiến sĩ Hải đội 402 đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ cho các tàu. Tăng cường, gia cố, chằng buộc các trang thiết, vật tư cần thiết và đã sẵn sàng, kịp thời đối phó có hiệu quả với cơn bão, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Hải đội luôn duy trì 100% quân số trực sẵn sàng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến của cơn bão để kịp thời ứng phó khi có lệnh.
 

Đến 11h30 trưa nay (25/12), bão Tembin đã tràn vào Côn Đảo, gió giật cấp 15. Tại trung tâm ĐBSCL trời đã bắt đầu có mưa nhỏ, cường độ gió thay đổi theo chiều hướng gia tăng và nhiệt độ xuống thấp. Loa phóng thanh tại các cụm dân cư đang liên tục phát ra các thông điệp chỉ đạo hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chức năng.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Tây huy động toàn lực ứng phó bão Tembin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO