MDEC Hậu Giang 2016: Vạch rõ lộ trình phát triển bền vừng vùng ĐBSCL

16/07/2016 00:00

  (TN&MT) - Với chủ đề "Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững" Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2016 vừa khép lại...

 

(TN&MT) - Với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2016 vừa khép lại sau 5 ngày diễn ra chuỗi sự kiện tại TP.Vị Thanh, đã tiếp tục vạch rõ hơn lộ trình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại MDEC Hậu Giang – 2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại MDEC Hậu Giang – 2016.

Qua chuỗi sự kiện trong khuôn khổ MDEC Hậu Giang – 2016, sự tác động của Hiệp định cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến nông dân và doanh nghiệp Việt Nam; những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn của ĐBSCL trong tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp phù hợp, để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là nâng cao giá trị hàng hóa nông sản chủ lực của vùng trong thời gian tới.

Chú trọng giải pháp để hội nhập và thích ứng BĐKH

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn kỳ này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: Việc gia nhập cộng đồng ASEAN là thách thức và cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đi ra trường quốc tế. Nếu không chủ động trong việc liên kết, xác định hướng đi và nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa quốc tế.

“Các địa phương trong vùng cần xác định rõ năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (lúa gạo, thủy sản và trái cây) để có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các tỉnh thành trong vùng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề liên kết vùng, công tác quy hoạch kinh tế - xã hội, giao thông, thủy lợi và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh.

Diễn đàn cũng cho thấy việc huy động nguồn lực đầu tư vẫn là vấn đề trọng tâm cơ bản. Đặc biệt là việc đẩy mạnh đầu tư tín dụng được xác định là giải pháp cho vùng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chính sách tín dụng với môi trường, tín dụng xanh khắc phục thiên tai phục vụ phát triển bền vững, tín dụng chính sách xã hội tạo sinh kế cho người nghèo.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đào Minh Tú, cho biết: “Thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo tính chủ động cho các tổ chức tín dụng và sự phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đảm bảo nguồn vốn được đầu tư hiệu quả; chính sách tín dụng tiếp tục phát huy mức độ tích cực nhất (chính sách tín dụng xanh, tín dụng du lịch, hạ tầng cơ sở)…”.

Thay đổi nhận thức và mô hình sản xuất, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất và nước

Diễn đàn kỳ này, tình hình BĐKH tác động đến nền kinh tế, doanh nghiệp đã được đánh giá rõ hơn, sát tình hình thực tiễn bức xúc của các địa phương. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, phản ánh tình hình BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang gây thiệt hại lớn cho các địa phương vùng ĐBSCL.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hạn, mặn vùng ĐBSCL có khoảng 248.000 ha cây trồng bị thiệt hại, hơn 3.100 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, hơn 320.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời, nhiều công trình thủy lợi, trường học, cầu đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp… với tổng thiệt hại chung khoảng 5.000 tỉ đồng. “Do đó, việc nghiên cứu giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phù hợp tình hình mới để đáp ứng tốt nhu cầu người dân là vô cùng cần thiết và cấp bách” – Ông Việt, nói.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ tài Nguyên và Môi trường, hiện nay, nguồn nước ngầm tại ĐBSCL cũng có xu hướng bị suy giảm mạnh do khai thác quá mức trong khi việc bổ cập cho nguồn nước này khá hạn chế. Số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay thể hiện tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng chứa nước vùng ĐBSCL trong khoảng 0,15 – 0,4 m/năm tùy theo tầng chứa nước và tùy theo từng khu vực.

Trong khi đó, trên thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 6 công trình thủy điện, Lào đang xây 2 thủy điện và có kế hoạch xây 9 công trình trên dòng chính, Thái Lan đã xây dựng và đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều trạm bơm cố định và dã chiến dọc sông Mekong để lấy nước.

GS,TS. Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng cần rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như là một tài nguyên như nhiều nước đã làm thành công, đồng thời đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt người dân. Cần tháo gỡ ngay sự chồng chéo ở nhiều tầng nấc trong chức năng quy hoạch, quản lý, nhất là lĩnh vực tài nguyên nước để giúp quản lý tốt tài nguyên nước và ứng phó BĐKH một cách đồng bộ, hiệu quả nhất.

“Tài nguyên đất tại ĐBSCL đang bị khai thác kiệt quệ và lãng phí trong sử dụng nước do lũ về lại đuổi lũ đi để sản xuất vụ 3, trong khi hiệu quả do tăng vụ sản xuất lúa mang lại rất thấp. Hay cùng một địa bàn, phân vùng kinh tế lại không dựa vào nguồn lợi của nước, nơi ngăn lại làm cản trở lưu thông, nơi lại muốn thoát nước cho nhanh, chứ không giữ lại để sử dụng” – GS,TS. Nguyễn Ngọc Trân, nói.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập các giải pháp công trình, phi công trình trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL. Điển hình các mô hình kinh tế ĐBSCL qua dự án chống chịu BĐKH tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) và dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre (JICA3). Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với BĐKH được cho là yêu cầu cấp bách.

“Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức và thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, để sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên đất và nước, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp là một thay đổi căn bản trong nhận thức cần có cả xã hội và cộng đồng”. GS,TS. Nguyễn Ngọc Trân, nhấn mạnh.

Nông sản đặc trưng chủ lực vùng ĐBSCL được tôn vinh trong kịch bản của MDEC Hậu Giang – 2016.
Nông sản đặc trưng chủ lực vùng ĐBSCL được tôn vinh trong kịch bản của MDEC Hậu Giang – 2016.

Chọn sản phẩm chủ lực sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao

Trong diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam, đề nghị các tỉnh thành vùng ĐBSCL cần tăng cường công tác truyền thông về tác hại của BĐKH đến các cấp, các ngành; tiếp tục rà soát các thể chế cho vùng; tập trung chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng; tăng cường nghiên cứu khoa học, xây dựng các kịch bản ứng phó với BĐKH phù hợp...

Ông Nam, đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL lựa chọn sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đảm bảo quy mô và tính cạnh tranh của sản phẩm (trong đó ưu tiên cho sản xuất lúa gạo và cá tra); liên kết các hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX không giới hạn địa giới hành chính.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương liên kết xây dựng chợ đầu mối an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo cung cấp đầu vào đầu ra cho HTX; sẽ có các bước thực hiện mô hình HTX thí điểm đến năm 2020 có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho biết.

Các tham luận khoa học cũng cho thấy để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL cần có định hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả, bảo quản sau thu hoạch, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm thích ứng với điều kiện BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Phải liên kết, hợp tác, kết nối đầu tư, hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: Phải nhận dạng rõ công nghệ trong từng ngành, từng lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp để có thể cạnh tranh với sản phẩm các nước, cần đổi mới, áp dụng và đầu tư các công nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Về phía Nhà nước, tạo hệ thống môi trường và cơ chế chính sách cho định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, phải lấy doanh nghiệp là trung tâm để triển khai, áp dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và thực hiện mô hình sản xuất phù hợp. Các sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành cần tìm kiếm, chuyển giao công nghệ phù hợp địa phương, nếu không đủ nhân lực thì phối hợp Viện, trường và các đơn vị liên quan để có thể sản xuất theo chuỗi.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù và tăng cường liên kết vùng

Trưởng Ban tổ chức MDEC Hậu Giang năm 2016, Lữ Văn Hùng, đề xuất: Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo MDEC, Bộ ngành Trung ương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL như: đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng, công tác phòng chống xâm nhập mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH...

Theo kiến nghị của Trưởng Ban tổ chức MDEC Hậu Giang – 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đóng vai trò chủ đạo trong liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực. Và các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL cần tăng cường hơn nữa mối liên hệ phối hợp trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (5 năm, hàng năm) của từng địa phương đảm bảo tính liên kết vùng đạt hiệu quả cao.

Bài & ảnh: Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
MDEC Hậu Giang 2016: Vạch rõ lộ trình phát triển bền vừng vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO